Xuất khẩu gạo nhiều tín hiệu lạc quan trong năm 2022
“Ngày 6.1.2022 tại Cảng TPHCM, tàu quốc tế DONG HONG quốc tịch LYBRRIA đã bốc xếp 11.111 tấn gạo của doanh nghiệp chúng tôi giao cho Hàn Quốc. Dự kiến, khoảng ngày 22.1.2022 tàu HONG DONG sẽ cập Cảng ULSAN Hàn Quốc, đúng kế hoạch mà Trung An và đối tác đã thống nhất” – sáng 10.1.2021, doanh nhân Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An phấn khởi chia sẻ với PV Lao Động.
Ông Bình cho rằng, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng các hoạt động thương mại trên thế giới không thể ngưng trệ, thậm chí còn tăng mạnh hơn bởi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng tăng để ứng phó với COVID-19 và gạo là một trong những mặt hàng được các quốc gia tăng dự trữ nhiều nhất.
Thông tin tới PV Lao Động, nhiều doanh nhân khác trong ngành lúa gạo cũng cho hay, ngay từ đầu năm, xuất khẩu gạo đã rất lạc quan, báo hiệu xuất khẩu gạo năm nay sẽ có sự bứt phá mạnh hơn bởi nhiều yếu tố hậu thuẫn có lợi cho cả doanh nghiệp và người trồng lúa: Nhu cầu và giá lương thực trên thế giới tăng, sức chống chịu của doanh nghiệp tăng và đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam đã có thêm nhiều kinh nghiệm để ứng phó linh hoạt, sản xuất an toàn trong dịch COVID-19, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quang Hòa – Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ cũng thông tin, doanh nghiệp ông đang gấp rút chuẩn bị để kịp xuất trên 10.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc.
“Dự kiến sau Tết Nguyên đán chúng tôi sẽ bắt đầu giao hàng đi” – ông Nguyễn Quang Hòa nói.
Theo ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, với đơn hàng hơn 4.000 tấn vừa xuất khẩu sang châu Âu trước thềm năm mới, Lộc Trời tin tưởng năm 2022 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho lúa gạo của Việt Nam tại thị trường châu Âu và nhiều thị trường khác...
Bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An nhận định: Năm 2022 dự báo vẫn có nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo, bởi nhu cầu của thế giới tăng, hơn nữa chất lượng gạo của Việt Nam được người tiêu dùng trên nhiều nước ưa chuộng.
Ngoài các thị trường truyền thống như Philippines (chiếm tỉ trọng lớn nhất), Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, các nước châu Phi, Hàn Quốc..., thì xuất khẩu gạo sang châu Âu (EU) dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 bởi hỗ trợ của Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Theo cam kết, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam mỗi năm có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU. Đặc biệt, đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm, mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có lợi thế để cạnh tranh với gạo của các nước khác khi xuất khẩu vào thị trường này.
Xuất khẩu gạo bứt phá bởi giá và "cầu" đều tăng
Số liệu của Bộ nông nghiệp Mỹ (UDA) cho thấy, dự tính đến giữa năm 2022, Trung Quốc sẽ tích trữ đến 60% lượng gạo. Còn theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính khiến giá cả lương thực leo thang lên mức cao nhất 10 năm qua trên toàn cầu. Với Trung Quốc, đảm bảo an ninh lương thực là yếu tố cốt lõi nhằm giữ ổn định xã hội, kinh tế cũng như không bị phụ thuộc vào các quốc gia như Mỹ trong bối cảnh hậu đại dịch. Điều này củng cố rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu lương thực, đặc biệt là mặt hàng lúa gạo trong năm 2022, khiến giá gạo sẽ tăng cao.
Bà Đặng Thị Liên cũng cho biết thêm, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá xuất khẩu gạo tăng cao hơn từ 10-20 UDS/tấn, tùy loại. Thực tế là trong năm 2021, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam xếp ở nhóm cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống đã bù đắp cho lượng xuất khẩu bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khả năng này có thể duy trì trong năm 2022 khi dịch COVID-19 vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu lương thực còn tiếp tục tăng cao mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu gạo. Gạo Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ mức giá tăng chung trên thị trường thế giới.
Doanh nhân Phạm Thái Bình cho rằng, chất lượng gạo Việt Nam rất vượt trội nhưng mức giá xuất khẩu chưa tương xứng. Dù thực tế hiện tại giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn gạo Ấn Độ và Pakistan và có thời điểm khá dài trong năm 2021 giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan, nhưng nhiều quốc gia vẫn chọn nhập khẩu gạo Việt Nam. Điều này cho thấy, vấn đề chất lượng đóng vai trò rất quan trọng và để xuất khẩu bền vững các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư về vấn đề chất lượng, thương hiệu gạo.
Theo Lao động