Nhu cầu thế giới tăng, khuyến nghị các quốc gia “đặt hàng” gạo Việt Nam
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Trần Thanh Nam, khi Ấn Độ - quốc gia cung cấp một nửa lượng gạo trên thị trường quốc tế tạm ngừng xuất khẩu gạo trắng, kèm với tình hình chính trị nhiều khu vực trên thế giới diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu khiến thời tiết cực đoan... khiến nguồn nhu cầu nhập khẩu lương thực tăng trong khi nguồn cung lúa gạo khó đoán định.
Do đó, theo kịch bản an toàn nhất mà Bộ NNPTNT tính toán, mỗi năm Việt Nam sản xuất được trên 43 triệu tấn lúa, ngoài số lượng phục vụ các nhu cầu khác nhau trong nước (tiêu dùng nội địa, dự trữ quốc gia, làm giống, chế biến thức ăn chăn nuôi…) mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13 - 14 triệu tấn lúa - tương đương hơn 7 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.
Với nguồn gạo vượt nhu cầu tiêu dùng trong nước, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước để chia sẻ lương thực, ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài.
Tuy nhiên, trong tình hình nguồn cung gạo thiếu hụt so với nhu cầu, các quốc gia nhập khẩu gạo nên đặt hàng trước với Việt Nam bằng việc ký kết các bản ghi nhớ. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ sở để chủ động nguồn hàng, tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp chủ động xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu, giúp ích trực tiếp cho người nông dân...
Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trong năm 2024
Theo thống kê, 11 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu tới 7,8 triệu tấn gạo trong khi cả năm 2022 chỉ xuất khẩu 7,1 triệu tấn.
Dự báo về thị trường cuối năm và nửa đầu năm 2024, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam nhận định: Xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi do nhu cầu thế giới cao.
Thực tế cho thấy, nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn có dấu hiệu tiếp tục duy trì đà tăng cao, đặc biệt là Philippines. Mới đây, Chính phủ Philippines đã yêu cầu các thương nhân trong nước tăng cường nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực.
Indonesia cũng dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo trong năm 2024. Trước mắt, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã gửi thông báo mời thầu cung cấp gạo 5% tấm với số lượng lên đến 543.000 tấn, nguồn cung kỳ vọng từ Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Pakistan và Campuchia. Hạn chót nhận hàng vào ngày 30.1.2024.
Cũng theo ông Đỗ Hà Nam, từ nhu cầu của thế giới, VFA đề nghị Bộ NNPTNT tiếp tục tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng bền vững, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.
Ông Đỗ Hà Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại lập đỉnh mới
Theo VFA, 2 ngày trước đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại vào đợt tăng mới. Sau khi tăng thêm 5 USD/tấn, ngày 18.12 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giao dịch ở mức 668 USD/tấn, nhiều lô hàng xuất lẻ có giá cao hơn mức này, có doanh nghiệp xuất khẩu với giá 680 USD/tấn.
“Nhu cầu nhập khẩu tăng, nhưng nguồn gạo của Việt Nam đang khan hiếm vì đã hết mùa thu hoạch, do đó các thương nhân chủ yếu nhập khẩu gạo từ Campuchia về để xuất đi. Từ trước đến nay các thương nhân vẫn uyển chuyển trong điều tiết lúa gạo giữa 2 quốc gia phục vụ cho xuất khẩu. Lúa chở từ Campuchia về Việt Nam chỉ mất thêm chi phí khoảng 100 đồng/kg, nên việc chuyển hàng từ Campuchia về Việt Nam rất thuận tiện, như vận chuyển lúa giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam” – ông Nguyễn Quang Hòa – CEO Dương Vũ Rice chia sẻ với Lao Động.
Theo Lao động