Thứ Sáu, 22/11/2024 19:06:14 GMT+7
Lượt xem: 1425

Tin đăng lúc 03-05-2018

Xuất khẩu giày - dép 2018 sẽ có sức bật tốt

Năm 2017 là một năm khá khởi sắc của ngành giày - dép Việt Nam khi xuất khẩu giày đạt 1,02 tỷ đôi đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu giày lớn thứ hai thế giới. 
Xuất khẩu giày - dép 2018 sẽ có sức bật tốt
Ảnh minh họa

Hiện nay, ngành giày - dép của Việt Nam đứng vị trí thứ 4 trong top 10 các ngành có mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao và là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam tăng qua các năm, cụ thể là: năm 2016 xuất khẩu giày dép đạt 13 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2015; năm 2017 xuất khẩu giày dép đạt 14,65 tỷ USD, tăng 12,7% kim ngạch xuất khẩu so với năm 2016.

 

Cùng với các doanh nghiệp sản xuất giày, dép Việt Nam, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp một phần công sức không nhỏ vào thành quả trên. Năm 2017, các doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế trong lĩnh vực xuất khẩu giày dép tại Việt Nam với khoảng 80,8% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành, chủ yếu là các tập đoàn đến từ Đài Loan, Hàn Quốc như: tập đoàn Yuan Chi, Pou Chen Group, Feng Tay,… với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt hàng tỷ USD.

 

Hầu hết các thị trường tiêu thụ giày, dép của Việt Nam đều có mức tăng trưởng dương trong năm 2017, trong đó, các thị trường chủ đạo tăng khá từ 10 - 30% so với năm 2016 như: Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU). Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp trong ngành đã lựa chọn những thị trường có quy mô nhỏ, nhưng mức thu nhập của người dân tốt và ưa chuộng những sản phẩm đặc thù riêng như: Nhật Bản, các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất. Dự báo đây cũng là xu hướng phát triển lâu dài của ngành giày - dép Việt Nam trong 15- 20 năm nữa.

 

Hướng đi mới cho các doanh nghiệp sản xuất giày – dép Việt Nam

 

Hiện nay, ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành giày - dép còn chưa phát triển nên ngành giày - dép đang gặp phải một khó khăn lớn là phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện với thuế nhập khẩu từ Trung Quốc là 5% - 20%, riêng đế giày là 20%, trong khi một đôi giày nhập nguyên thành phẩm về Việt Nam là 0% thuế. Điều này vô tình đã khuyến khích nhập khẩu các mặt hàng giày dép để tiết kiệm chi phí đầu tư đã đẩy ngành này vào thế khó khăn.

 

Bên cạnh đó, các sản phẩm giày dép trong nước không bắt kịp xu hướng thời đại đang phải cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng giày dép đến từ Trung Quốc, Thái Lan,... phong phú về chủng loại, kiểu dáng và giá cả hợp lý. Những thách thức trên là không hề nhỏ với các doanh nghiệp giày - dép Việt Nam và để giải quyết vấn đề trên cần có một lộ trình dài hạn với nguồn kinh phí khá lớn. Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; đặt gia công ở nước ngoài để có hàng giá rẻ, mẫu mã đa dạng và tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu,… là một trong những hướng đi mới cho ngành giày - dép Việt Nam trong những năm tới.

 

Điểm lại tình hình sản xuất của ngành giày - dép trong những năm vừa qua, chúng ta dễ dàng nhận ra một điểm sáng đến từ thương hiệu giày Biti's của Việt Nam. Các sản phẩm của Biti's một thời đã “làm mưa, làm gió” trên thị trường giày, dép nước ta. Tuy nhiên, khi “cơn bão” hàng giày, dép nhập khẩu tràn về Việt Nam với đầy đủ các mẫu mã, kiểu dáng mới lạ cùng chất lượng tốt đã thu hút một lượng lớn khách hàng của Biti's khiến thị phần của Biti's có nguy cơ bị thu hẹp lại.

 

Trước tình hình đó, Biti's đã cho ra mắt dòng sản phẩm giày thể thao Biti’s Hunter và ngay lập tức trở thành một trong những mặt hàng bán chạy nhất của Biti’s. Bên cạnh việc mạnh tay chi 5 triệu USD đầu tư công nghệ máy móc để cho ra đời những đôi giày Biti’s Hunter có chất lượng tốt cùng kiểu dáng đẹp thì một điểm mạnh của Biti’s là các chiến dịch quảng cáo thương hiệu đã đưa Biti’s quay trở lại vị trí dẫn đầu trong ngành giày, dép Việt chỉ trong một thời gian ngắn. Đây là một hướng đi mới trong “cuộc chiến” giành lại thị phần không chỉ ở ngành giày - dép mà còn ở hầu hết các ngành kinh tế nước ta.

 

Triển vọng ngành giày - dép năm 2018

 

Với những kết quả đạt được trong năm 2017, ngành giày - dép Việt Nam năm 2018 được dự báo sẽ có sức bật tốt hơn năm 2017 bởi có nhiều yếu tố thuận lợi. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ được ký kết trong năm 2018 sẽ làm cho thuế xuất khẩu giày dép vào thị trường EU giảm về 0% là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất giày dép trong nước nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm để có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác trong thị trường EU.

 

Với thế mạnh là nhà cung cấp hàng đầu những phân tích và dự báo chuyên sâu về ngành giày - dép, Chuyên trang cơ sở dữ liệu về các ngành kinh tế và kinh doanh Vibiz.vn phối hợp cùng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra báo cáo về doanh nghiệp xuất nhập khẩu giày – dép năm 2017.

Nội dung cung cấp trong báo cáo đa dạng, toàn diện từ tình hình xuất nhập khẩu chung (kim ngạch, mặt hàng, thị trường, top các doanh nghiệp xuất nhập khẩu), đến chi tiết xuất nhập khẩu từng chủng loại giày - dép: giày thể thao, giày vải, giày da (thị trường xuất nhập khẩu, top doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo chủng loại), đồng thời kết hợp đi sâu phân tích những thuận lợi, khó khăn, cơ hội phát triển của ngành nói chung và thế mạnh, thách thức từng loại giày, dép xuất nhập khẩu.


Theo báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang