Theo Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 9 ước đạt 1.131 tỉ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2019.
Lũy kế 9 tháng, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 8,97 tỉ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,38 tỉ USD, tăng 11,2 so với cùng kỳ.
5 thị trường xuất khẩu chính trong 8 tháng đạt 7,01 tỉ USD, chiếm 89,4% giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam là Hoa Kỳ: Đạt 4,19 tỉ USD, Nhật Bản: 855,8 triệu USD, Trung Quốc 828,3 triệu USD, EU 588,8 triệu USD, Hàn Quốc: 542,8 triệu USD.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng từ tháng 7.2020 khi dịch bệnh dần được khống chế, các quốc gia đã bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh mở cửa để phát triển kinh tế nên nhu cầu nhập khẩu gỗ và lâm sản đã tăng lên đáng kể với nhiều đơn hàng đã được ký kết.
Thống kê số liệu cho thấy, quy mô trung bình kim ngạch xuất khẩu của một doanh nghiệp FDI là 6,7 triệu USD/năm (4,084 tỉ USD trên tổng 612 doanh nghiệp) và quy mô trung bình kim ngạch xuất khẩu của một doanh nghiệp Việt Nam là 2,8 triệu USD/năm (4,985 tỉ USD trên tổng 1780 doanh nghiệp), tức quy mô doanh nghiệp FDI gấp 2,4 lần doanh nghiệp Việt Nam.
Từ thực tế này để thấy doanh nghiệp FDI vẫn thống lĩnh tổng kim ngạch xuất khẩu, thậm chí năm sau còn cao hơn năm trước. Trong khi đó, quy mô doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhỏ, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.
"Nếu không lớn lên, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thua trên sân nhà, đánh mất thị trường xuất khẩu từ các Hiệp định FTA đã ký kết” – ông Điền Quang Hiệp nói.
Để giải bài toán này, các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau, cùng nhau nâng cấp chuỗi giá trị của ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia và chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Trong chuỗi liên kết tạo ra giá trị gia tăng, thì sự gia tăng giá trị trong sản xuất chỉ từ 5-10%, gia tăng giá trị trong thiết kế là từ 20-50% thì giá trị gia tăng tạo ra trong thương hiệu là 100% hoặc cao hơn nữa, đặt ra đòi hỏi về tầm nhìn thương hiệu cho ngành chế biến gỗ của Việt Nam"- ông Điền Quang Hiệp nêu ý kiến.
Đặc biệt, tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có hồi kết, Việt Nam có thể là một điểm trung chuyển thuận lợi cho các hoạt động lẩn tránh xuất xứ, chuyển giá và gian lận thương mại… đòi hỏi Nhà nước cần có các chính sách phù hợp và mạnh mẽ, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan giám sát thương mại của quốc tế, đặc biệt của Hoa Kỳ để phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động gian lận thương mại này.
Theo báo Lao động