Thông tin trên được các chuyên gia, DN cho biết tại hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU cơ hội và thách thức” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 5/8.
Nói về quan hệ thương mại Việt Nam - EU, bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - cho biết, trong vòng 15 năm qua, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đã tăng hơn 10 lần từ mức 4,1 tỉ USD năm 2000 lên 41,4 tỉ USD trong năm 2015. Trong đó xuất khẩu vào EU tăng 11 lần và nhập khẩu vào EU tăng 8 lần. Trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang EU đạt 17,3 tỉ USD, tăng trên 10% so với cùng kì năm ngoái, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam là 13,3 tỉ USD tăng 10,5% và nhập khẩu từ Việt Nam đạt trên 4 tỉ USD tăng 9,8%.
Ông Lê Kỳ Anh, cán bộ phụ trách thương mại và kinh tế, phái đoàn thường trực EU tại Việt Nam nhận định,Việt Nam có quan hệ thương mại với EU khá mạnh chỉ sau Singapore. Từ năm 2012 trở lại đây tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU luôn đạt mức 2 con số trong đó có những năm đạt tới mức tăng 45%. Tăng trưởng xuất khẩu từ EU sang Việt Nam cũng đạt mức từ 20- 25%.
Theo ông Kỳ Anh, trong khi thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn ở mức từ 32 đến 33 tỉ USD thì quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU luôn đạt mức thặng dư. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU luôn mang tính bổ sung. Việt Nam xuất khẩu sang EU tăng mạnh hơn do người tiêu dùng EU rất ưa chuộng các sản phẩm dệt may, da giày của Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) - cho biết, trong chiến lược xuất nhập khẩu giai đoạn 2020, định hướng 2030 phát triển xuất khẩu theo chiều rộng và chiều sâu, Bộ Công Thương đã định hướng EU là một trong những thị trường xuất khẩu chiến lược, chiếm khoảng 20% tổng lượng xuất khẩu.
Việc Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2018 hứa hẹn góp phần quan trọng nâng cao giá trị cạnh tranh và làm gia tăng thị phần xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tại thị trường này.
Mặc dù có nhiều cơ hội, tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, thách thức lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường EU trong thời gian tới là làm sau tận dụng được các ưu đãi từ FTA. Bên cạnh đó, việc đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường và sản phẩm an toàn cũng sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp khi tiếp cận vào thị trường rộng lớn này.
Ông Roberto Cajati, Phó tổng lãnh sự - Tổng lãnh sự quán Ý tại Việt Nam khẳng định, DN Việt Nam có nhiều cơ hội đặc biệt là các điều khoản liên quan đến thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu vào EU. Các ngành hưởng lợi nhiều nhất là giày dép, dệt may.. Tuy nhiên để thâm nhập vào thị trường EU cần phải đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, môi trường, an toàn nghiêm ngặt.
Theo ông Oscar A.Mussons, Cố vấn kinh doanh quốc tế Công ty Dezan Shira và Cộng sự, để đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ phía EU, DN Việt nên có hệ thống lưu trữ hồ sơ về nguồn gốc sản phẩm, nâng cao đổi mới công nghệ đầu tư giá trị gia tăng nhiều hơn, gia tăng tỉ lệ sử dụng nguyên liệu nội địa…
Dưới góc dộ DN, ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Cacao Việt Nam - chia sẻ, dù là DN có kinh nghiệm xuất khẩu đi nhiều thị trường song với thị trường EU, DN này vẫn khó thâm nhập. Lý do, hiện nay chưa có tổ chức nào của Việt Nam được châu Âu chấp nhận kết quả giám định chất lượng. Bên cạnh đó, sự kiện Brexit làm giảm giá đồng bảng Anh cũng đang gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của các DN sang EU.
Nguồn Báo Công Thương điện tử