Tình hình lạm phát tại một số thị trường lớn đang khiến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam suy giảm mạnh. Từ đầu năm đến ngày 15/5, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ đạt 230 tỷ USD, giảm gần 40 tỷ USD. Con số còn thấp hơn cả thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh năm 2021.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 11,4 tỷ USD, giảm hơn 21% so với nửa cuối tháng 4. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/5, xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 118,6 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 5 đạt 12,4 tỷ USD, tăng nhẹ so với kỳ trước. Tuy nhiên, nếu tính chung từ đầu năm đến ngày 15/5, nhập khẩu hàng hóa đạt 112 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân được các chuyên gia và doanh nghiệp cho là các ngành hàng đều gặp khó khăn khi lạm phát cao, sức mua kém, nhất là hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Điển hình là các nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam như: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; giày dép… đều giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Với quy mô hiện nay, những tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt bình quân 51,2 tỷ USD mỗi tháng, trong khi con số này của cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 60 tỷ USD.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, chia sẻ: Hiện tại, doanh nghiệp đang bị tác động bởi thị trường đầu ra thu hẹp, sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Riêng trong quý 1, doanh nghiệp sụt giảm 10%; trong quý 2, quý 3 được cho là thời kỳ cao điểm của tiêu thụ sản phẩm may mặc nhưng lượng đơn hàng giảm 20-30%.
Một yếu tố khiến xuất khẩu giảm mạnh là nhiều nước áp dụng điều tra phòng vệ thương mại. Chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro.
Chuyên gia kinh tế Phạm Sỹ Thành cho rằng: “Bầu không khí cảm nhận trên toàn cầu là xấu đi rất nhiều, bên cạnh rủi ro địa chính trị thì chưa bao giờ sự trỗi dậy của chủ nghĩa trọng thương, bảo vệ kinh tế trong nước gắn với dân tuý, phúc lợi, thương mại lớn vậy. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn như Việt Nam. Điều này không chỉ gia tăng rủi ro, mà còn gia tăng chi phí cho nền kinh tế”.
Trong bối cảnh đó, theo nhận định của Tổng cục Hải quan: "Để đạt được quy mô tương đương năm ngoái (hơn 730 tỷ USD), trong thời gian còn lại của năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam phải đạt khoảng 500 tỷ USD, tương đương bình quân gần 67 tỷ USD mỗi tháng. Đây là mục tiêu đầy thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp”.
Giới phân tích cũng chỉ ra rằng tình trạng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm vẫn chưa kết thúc, vì nhu cầu toàn cầu tiếp tục suy yếu cả năm 2023. Rủi ro suy thoái toàn cầu rõ ràng có thể ảnh hưởng đến đơn đặt hàng của các nhà máy - huyết mạch của nền kinh tế.
Trao đổi với VnBusiness, trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu, GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh đến những giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng cường thị trường đầu ra, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí.
“Có thể trong khó khăn sử dụng thị trường nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bên cạnh tác động từ cầu, giảm chi phí, tăng cường tiếp cận nguồn lực, giải pháp căn cơ cho các doanh nghiệp là cần xây dựng năng lực cạnh tranh cho mình, nhất là đối với các doanh nghiệp tư nhân”, ông Thành cho hay.
Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm lại các thị trường truyền thống từ trước đến nay như châu Âu, Mỹ, châu Á,… Đáng chú ý, trong các ngành hàng, dệt may hiện đang là ngành nhiều khó khăn nhất, bởi ngoài việc không có đơn hàng, sức cạnh tranh yếu khiến doanh nghiệp còn bị mất đơn hàng tại thị trường truyền thống do đơn hàng đã rơi vào tay các "đối thủ" khác. Do đó, Việt Nam cần nắm lại thị trường bằng cách hiểu rõ bạn hàng cần gì để từ đó có sự thay đổi, đáp ứng xuất khẩu và tăng trưởng theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, hướng đến các thị trường xuất khẩu còn tiềm năng, nhưng để làm được điều này, theo ông Thịnh, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý.
Ngoài ra, thị trường trong nước cũng rất quan trọng. Hiện nay, nhu cầu của người dân ngày một cao, khả năng tiêu dùng cũng ngày càng lớn. Với gần 100 triệu dân, thị trường trong nước đang được coi là mảnh đất "màu mỡ" để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và chiếm lĩnh thị trường. Bởi vậy, doanh nghiệp cần có giải pháp để thúc đẩy thị trường trong nước và tăng tiêu dùng nội địa.
"Trong quý 1/2023, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng. Rõ ràng nhu cầu tiêu dùng trong nước đang tăng cao. Do đó, nắm thị trường trong nước cũng là một trong những vấn đề quan trọng ngoài vấn đề đẩy mạnh xuất khẩu", ông Thịnh phân tích.
Theo VNbusiness