Xuất khẩu chưa như kỳ vọng
Bà Trần Thị Mỹ Vân - đại diện truyền thông Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam - cho biết, song song với việc phục vụ thị trường nội địa, hiện sản phẩm của Acecook đang XK đến 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tận dụng những ưu đãi từ việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Acecook Việt Nam đã có định hướng chuyển XK sang các quốc gia này nhưng không dễ dàng.
Không chỉ Acecook, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn gặp khó khăn khi chen chân vào thị trường ASEAN. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do sự tương đồng nhất định về chủng loại hàng hóa giữa các quốc gia. Trong khi đó, so với hàng hóa của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… sức cạnh tranh của hàng Việt còn yếu. Chưa kể, tại đây, hàng Việt còn phải cạnh tranh với hàng hóa của nhiều quốc gia khác, tiêu biểu như Trung Quốc. DN thiếu thông tin thị trường nên dù có nhiều nỗ lực, cộng với “lực đẩy” từ AEC nhưng hàng Việt vẫn chưa thể chiếm lĩnh tốt thị trường này.
Ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) - cho biết thêm, một thách thức lớn là tỷ lệ bãi bỏ thuế quan ở các nước ASEAN-6 là 98%, trong khi tỷ lệ này của Việt Nam, Lào và Myanmar mới là 91%. Hơn nữa, ngay khi các nước ASEAN bãi bỏ hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm XK của Việt Nam, một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật lập tức được dựng lên để bảo vệ thị trường nội địa.
Với tất cả nguyên nhân nêu trên, XK hàng hóa sang ASEAN vẫn chưa cao như kỳ vọng. Theo Bộ Công Thương, tính riêng 10 tháng năm 2016, XK sang thị trường ASEAN giảm 7,6% và xu thế giảm này đã duy trì từ đầu năm đến nay.
Thay đổi để tận dụng cơ hội
ASEAN là thị trường tiềm năng đối với Việt Nam bởi đây là khu vực có nhiều quốc gia với hơn 600 triệu dân, tổng GDP khoảng 2.400 tỷ USD (gấp hơn 10 lần của Việt Nam), quy mô thương mại khá lớn. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội cần nhiều giải pháp hơn.
Ông Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) - cho hay, để giải quyết vấn đề tương đồng về chủng loại hàng hóa, cần sản xuất những mặt hàng mang tính bổ sung và chọn lựa những mặt hàng khác biệt để thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại. Ví dụ, không thể xuất gạo sang Thái Lan bởi đây là thị trường sản xuất khá nhiều gạo nhưng có thể xuất sang Philippines, Indonesia - những thị trường không có sự cạnh tranh về mặt hàng này. Đẩy mạnh XK dệt may bởi ở ASEAN, dệt may Việt gần như không có đối thủ.
DN cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm bằng cách thay đổi mẫu mã, chủng loại hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng nguồn nhân lực, công nghệ để tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời có chiến lược tiếp thị, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mới có thể chiếm lĩnh tốt thị trường.
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, Thái Bình Dương (Bộ Công Thương): Trong thời gian tới, những thông tin chính thức về thị trường ASEAN sẽ được đăng tải trên website của Bộ Công Thương. Cục Thương mại điện tử của Bộ đã có một kênh thông tin tổng quan về các thị trường, cũng như biểu thuế xuất nhập khẩu để DN có đủ thông tin chính thống và đáng tin cậy. |
Nguồn Báo Công Thương