Theo Tổng cục Hải quan, nửa cuối tháng 9 (16-30/9) kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khá so với nửa đầu tháng này, theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố.
Cụ thể, nửa cuối tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 30,85 tỷ USD, tăng 9,9% (tương ứng tăng 2,78 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 9/2023.
Trong đó, xuất khẩu đạt 16,3 tỷ USD, tăng 14,1% (tương ứng tăng 2,01 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 9/2023. Xuất khẩu tăng ở một số nhóm hàng chủ lực như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; hàng dệt may; giày dép; điện thoại các loại và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng...
Tính đến hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 258,97 tỷ USD, giảm 8,5%, tương ứng giảm 24,02 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Đạt tăng trưởng tốt nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu là mặt hàng rau quả. Tháng 9, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 667 triệu USD, tăng 43,7% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ 2022, mức tăng còn ấn tượng hơn với 167% (tương đương kim ngạch tăng thêm gần 420 triệu USD).
Tính chung hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong các mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô” của Việt Nam, rau quả có mức tăng trưởng ấn tượng nhất. Sự tăng trưởng của mặt hàng rau quả có sự đóng góp lớn từ việc phục hồi ở thị trường Trung Quốc.
Kỳ 2 tháng 9, nhập khẩu đạt 14,55 tỷ USD, tăng 5,6% (tương ứng tăng 768 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 9/2023. Các nhóm hàng tăng đáng chú ý như: Điện thoại các loại và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; hóa chất…
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 9 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng qua lên 496,3 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn giảm 11,2% (tương ứng giảm 62,78 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ 2 tháng 9, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,76 tỷ USD và tính chung cả 9 tháng thặng dư 21,64 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với con số 6,9 tỷ USD thặng dư của cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công Thương, với các biện pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian qua đã dần có những tín hiệu tích cực.
Bộ Công Thương phân tích, nguyên nhân của sự suy giảm xuất nhập khẩu trong thời gian qua là do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như: Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.
Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…
Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương đang nỗ lực đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: Bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…
Theo Congthuong.vn