Thứ Hai, 25/11/2024 11:49:05 GMT+7
Lượt xem: 756

Tin đăng lúc 22-12-2020

Xuất khẩu năm 2020: Nông, lâm, thủy sản tiếp tục đạt giá trị trên 1 tỉ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), hiện nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới và hiện có mặt ở trên 196 quốc gia. Năm 2020, các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản, thủy sản, càphê, rau quả, hạt điều, gạo... tiếp tục là những mặt hàng đạt giá trị trên 1 tỉ USD, thậm chí có 6 mặt hàng đạt trên 2 tỉ USD.
Xuất khẩu năm 2020: Nông, lâm, thủy sản tiếp tục đạt giá trị trên 1 tỉ USD
Cà phê tiếp tục sẽ là một trong những mặt hàng XK giá trị cao mang về tổng kim ngạch lớn trong năm 2021. Ảnh: Khánh Vũ

Tín hiệu lạc quan trong bối cảnh COVID-19

 

Năm 2020, một số nông sản lớn, chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. XK nông lâm thủy sản tăng liên tục cả về số lượng thị trường, sản lượng và giá trị, thặng dư thương mại tăng cao. Nhiều mặt hàng của Việt Nam như gỗ và lâm sản, thủy sản, cà phê, hạt điều, caosu, gạo, trái cây đã đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, trong đó có những mặt hàng đạt giá trị kim ngạch trên 2 tỉ USD.

 

Điểm lại những mặt hàng có trị giá xuất khẩu cao, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) - TS Nguyễn Quốc Toản, cho biết: Trong năm 2020, dự kiến ngành gỗ và lâm sản mang về trên 11,5 tỉ USD; thủy sản: 8,6 tỉ USD, XK cà phê chỉ trong 11 tháng đã đạt 1,41 triệu tấn với 2,46 tỉ USD; XK hạt điều đạt 2,94 tỉ USD; caosu đạt gần 2 tỉ USD...

 

Về mặt hàng gạo, tổng khối lượng và giá trị XK trong 11 tháng năm 2020 đã đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỉ USD. Trong tháng 11.2020 XK gạo sang đa số thị trường tăng so với tháng 10.2020, trong đó xuất khẩu sang Philippines tăng 56% về lượng và tăng 64,9% kim ngạch, đạt 80.266 tấn, tương đương 41,49 triệu USD; Trung Quốc 16,9% về lượng và tăng 26,3% kim ngạch, đạt 94.689 tấn, tương đương 52,12 triệu USD.

 

Bất chấp COVID-19, năm 2020 tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản năm 2020 ước tăng 3,2%. Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho biết: Kim ngạch XK 8,6 tỉ USD là con số đáng khích lệ trong bối cảnh COVID-19 phức tạp, kéo dài trên toàn thế giới trong cả năm 2020. Trong 6 thị trường chính, trong tháng 11.2020, các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam như: Mỹ, EU và Trung Quốc đều có mức tăng trưởng dương, đạt kim ngạch lần lượt là 25%, 30% và 15%.

 

Hiệp hội XNK Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đưa ra thông tin: XK sang Mỹ từ tháng 6 bật tăng và trong 11 tháng XK sang Mỹ đạt trên 1,5 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính XK thủy sản cả năm 2020 sang thị trường này đạt 1,65 tỉ USD, tăng 12% so với năm 2019. Sau 1 tháng thực thi EVFTA, XK thủy sản sang EU cũng tăng mạnh từ tháng 9 với mức tăng từ 19-30%. XK thủy sản sang Trung Quốc năm 2020 dự kiến đạt mức 1,48 tỉ USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Quyết tâm đạt kim ngạch XK từ 40-42 tỉ USD

 

TS Nguyễn Quốc Toản khẳng định, rau quả, gỗ, tôm, cá tra, cà phê, caosu, điều, hồ tiêu… là những mặt hàng chủ lực mang về giá trị XK cao. "Năm 2020, ngành NNPTNT đặt mục tiêu XK đạt từ 40-42 tỉ USD" - TS Nguyễn Quốc Toản cho biết, đồng thời khẳng định cần tiếp tục tập trung vào 8 nhóm mặt hàng XK trên 1 tỉ USD và 6 nhóm, mặt hàng có giá trị XK trên 2 tỉ USD là cà phê, gạo; hạt điều; rau quả; thủy sản, sản phẩm gỗ.

 

Các doanh nghiệp (DN) chia sẻ, trong bối cảnh COVID-19, giao thương trên thế giới đã rất khác và trong năm 2021 tình hình thương mại thế giới sẽ tiếp tục có rất nhiều thay đổi, DN phải tự tìm lối đi riêng để “sống chung” với đại dịch.

 

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group - cho biết: Thời gian đầu mùa dịch, DN gặp khó khăn do nhu cầu đối với trái cây từ các thị trường này giảm sâu. Việc cắt giảm các chuyến bay quốc tế và Mỹ rút nhân viên kiểm dịch về nước cũng gây ảnh hưởng không ít tới quy trình kiểm dịch, chiếu xạ đối với các loại trái cây chủ lực xuất đi thị trường Mỹ.

 

Tuy nhiên sau đó, nhu cầu đối với trái cây dần được ổn định trở lại do trái cây là một trong những mặt hàng thiết yếu đặc biệt có tác dụng tốt cho sức khoẻ trong mùa dịch. Thêm vào đó, nhờ nền tảng chuẩn bị tốt cũng như việc chú trọng đầu tư công nghệ bảo quản, phát triển kỹ thuật đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường EU nói riêng và các thị trường khác trên thế giới nói chung nên nguồn cung trái cây luôn ổn định.

 

Còn theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình, gạo là mặt hàng thiết yếu, dịch bệnh phức tạp thì nhu cầu dự trữ của các quốc gia cũng tăng lên. Việt Nam có lợi thế mạnh là đã ký kết thành công 14 hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương; chính sự mở rộng và đa dạng hóa hội nhập cũng khiến Việt Nam có nhiều lợi thế, các DN Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn, nhất là hàng hóa thuộc lĩnh vực thiết yếu của người tiêu dùng đó là lương thực, thực phẩm và đồ gia dụng nội thất.

 

"Về mặt hàng gạo, Việt Nam là quốc gia luôn đứng trong “tốp” đầu về XK gạo và gạo Việt Nam hiện nay chất lượng rất tốt. Việt Nam lại được hưởng ưu đãi do các hiệp định thương mại đem lại mà một số nước có gạo nhiều không có lợi thế này. Điều này cho phép chúng ta tự tin XK của Việt Nam tiếp tục bứt phá trong năm 2021" - ông Phạm Thái Bình chia sẻ.

 

Tổng Giám đốc Vina T&T Group cũng khẳng định: Năm 2021 tiếp tục chinh phục các thị trường mới và mang nhiều loại trái cây, nông sản Việt Nam tới thế giới. "Để làm được điều này, dựa vào nền tảng sẵn có, chúng tôi đang đầu tư nhiều hơn để mở rộng các vùng nguyên liệu chất lượng cao, đầu tư đội ngũ kỹ thuật để duy trì các vùng trồng đã đạt tiêu chuẩn Global.G.A.P và nâng cao công nghệ bảo quản trái cây. Ngoài các chứng nhận nhà máy đã đạt được như HACPP, ISO, chứng nhận tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội SMETA cũng đang được DN quan tâm đầu tư" - ông Tùng cho biết.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang