Các chuyên gia cho rằng ngành nông nghiệp cần phải đầu tư vào chất lượng nông sản hơn nữa, thích ứng với xu hướng tiêu dùng tương lai để tăng trưởng xuất khẩu bền vững.
Điểm sáng ngành nông nghiệp
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 5 tháng đầu năm 2023 đạt 20,26 tỉ USD giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022 trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát ở nhiều nước còn cao. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung tại chỗ.
Dù vậy, có 3 mặt hàng nông sản là gạo, cà phê và rau quả lại có sự tăng trưởng tốt, đạt kết quả cao chưa từng có. Cụ thể, gạo xuất khẩu đạt 2,02 tỉ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước; cà phê đạt 2,02 tỉ USD, tăng 0,2% (khả năng vượt mốc kỷ lục 4 tỉ USD của năm 2022) và rau quả đạt 1,97 tỉ USD, tăng 39%. Không những thế, cả 3 mặt hàng này đều xuất siêu với giá trị lớn khi cà phê thặng dư 1,87 tỉ USD; gạo 1,59 tỉ USD và rau quả 1,21 tỉ USD.
Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, giữa lúc kinh tế thế giới suy thoái thì những mặt hàng thiết yếu sẽ được mua nhiều để tiêu dùng và dự trữ còn những món "ăn chơi" sẽ bị tiết giảm. Gạo rơi vào nhóm lương thực thiết yếu còn rau quả là thực phẩm ngày càng trở nên thiết yếu vì có nhiều dưỡng chất.
Riêng ngành cà phê, ngoài yếu tố thiết yếu còn có sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN), Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), các Hiệp định thương mại tự do mới giúp sản phẩm được ưa chuộng trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, nơi ngành cà phê lên ngôi trở lại. "Về chủ quan, Việt Nam đã có sự chuẩn bị trước và chuẩn bị tốt để chớp được cơ hội thị trường. Dù vậy, do thiếu vốn, nhiều thời điểm DN trong ngành vẫn còn gặp khó khăn" - GS-TS Bùi Chí Bửu nhận định.
Trong 3 ngành hàng trên, GS-TS Bùi Chí Bửu dẫn dự báo của nhiều tổ chức trên thế giới cho biết ngành rau quả có tiềm năng "bùng nổ", nhất khi được mệnh danh là thực phẩm vĩnh cửu của loài người, nhu cầu tiêu dùng tăng lên trên khắp thế giới.
Trong khi đó, thương mại ngành gạo không lớn, chỉ khoảng 40-50 triệu tấn/năm chiếm 8%-10% sản lượng gạo trên thế giới vì hầu hết các nước đều chủ động sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực.
PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, thông tin thêm gạo là loại lương thực được sản xuất và tiêu dùng chủ yếu tại châu Á. Các thị trường châu Âu, Mỹ dù nhập khẩu gạo nhưng quy mô thị trường nhỏ.
Đầu tư vào chất lượng
PGS-TS Dương Văn Chín đánh giá sự thành công của ngành lúa gạo trong những năm gần đây là nỗ lực một thời gian dài để khẳng định uy tín, chất lượng. Nhiều giống lúa như: OM18, OM5451, Đài Thơm 8... rất được khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt, phân khúc gạo thơm cao cấp, Việt Nam đã có ST25 và Lộc Trời 28... giành được giải cao khi thi quốc tế. Đây là phân khúc có thể bán được giá 1.000 USD/tấn, nếu đẩy được sản lượng 1 triệu tấn/năm, Việt Nam thu về giá trị 1 tỉ USD/năm.
"Gạo Việt Nam gần như thu hoạch quanh năm, luôn có gạo mới giao cho khách hàng. Vấn đề lớn hiện nay là các tiến bộ kỹ thuật để hạ giá thành lúa gạo cần được áp dụng trên diện rộng để tăng lợi nhuận cho nông dân" - PGS-TS Dương Văn Chín nhấn mạnh.
Với ngành rau quả, ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), cho hay sự tăng trưởng của ngành có sự đóng góp đáng kể của mặt hàng mới là sầu riêng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, dù mới được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cuối năm 2022 nhưng trong 4 tháng đầu năm, sầu riêng đã xếp vị trí thứ 2 trong ngành trái cây xuất khẩu, thu về 190,5 triệu USD, tăng 573,1% so với cùng kỳ năm 2022. "Việc cần nhất của ngành sầu riêng Việt Nam hiện nay là phải đầu tư vào chất lượng nhiều hơn, từ đó tạo uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam ra thế giới" - ông Nguyễn Văn Mười lưu ý.
Sự lo lắng của đại diện VACVINA phía Nam là năm nay sầu riêng Việt Nam bị sượng và cháy múi rất nhiều. Điều này xuất phát từ việc nông dân ham sản lượng để tranh thủ giá khiến chất lượng sầu riêng giảm sút. Hiện 1 cây sầu riêng nông dân giữ lại trái nhiều quá, cây chưa trưởng thành đã đưa vào khai thác khiến cây suy yếu nên chất lượng không bảo đảm. Biểu hiện của điều này là sầu riêng đang bán trong nước rất nhiều, giá thấp do không đủ chuẩn xuất khẩu, còn DN xuất khẩu tìm không ra hàng dù đưa giá cao.
Để tìm giải pháp cho vấn đề này, VACVINA phía Nam đang tổ chức nhiều lớp hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân nâng chất lượng sầu riêng. Đặc biệt, VACVINA còn tổ chức đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác, sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến và xây dựng thương hiệu sầu riêng Thái Lan cho các nhà vườn, HTX thuộc ngành hàng sầu riêng vào cuối tháng 6 này.
Ông Nguyễn Văn Mười nói thêm Thái Lan là nước đi trước Việt Nam trong xuất khẩu sầu riêng ra thế giới nhưng khi Việt Nam - Trung Quốc ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, nông dân Thái Lan ngay lập tức có sự chủ động ứng phó. Họ đã nâng tiêu chuẩn chất khô (sầu riêng ít nước, ngon hơn) từ 32% lên 35% để tăng chất lượng sầu riêng xuất khẩu. "Cần chủ động kiểm soát chất lượng sầu riêng, tránh trường hợp hàng bị sượng, cháy múi ảnh hưởng đến uy tín sầu riêng Việt Nam" - đại diện VACVINA đề nghị.
Với ngành hàng cà phê, chuyên gia Nguyễn Quang Bình phân tích nguyên nhân cà phê Robusta tăng giá nhờ sự ảnh hưởng tích cực của thị trường cà phê nội địa. Tỉ trọng sử dụng cà phê nội địa tăng và xu hướng dùng cà phê đặc sản, cà phê nguyên chất giúp cà phê Việt Nam nâng chất lượng. "Thay vì bán xô, Việt Nam đã có sự sàng lọc, loại bỏ sản phẩm không đạt chuẩn nên sản lượng giảm đi, kéo theo giá tăng" - ông Bình tiết lộ về cách làm hay của ngành cà phê.
Cũng theo ông Bình, việc giá cà phê đạt cao nhất từ khi xuất khẩu đến nay giúp nông dân có động lực giữ cây cà phê trước làn sóng chuyển đổi sang các loại cây ăn trái. "Cà phê vẫn có ưu điểm về việc tồn trữ lâu, trong khi trái cây phải tiêu thụ ngay sau khi thu hoạch. Nếu chưa có đầu ra thì việc giữ lại cây cà phê vẫn an toàn hơn" - ông Bình nói.
Theo NLĐ