Tại họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023, sáng 3/7, Bộ NN-PTNT cho biết, tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 3,1%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Có 7 nhóm mặt hàng của ngành nông nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả và gạo ghi nhận mức tăng trưởng đột phá, lần lượt là 64,2% và 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, 6 tháng đầu năm 2023 rất khó khăn nhưng vẫn thu về kết quả tích cực. Sản xuất ở tất cả nhóm ngành hàng đều có thể yên tâm khi tăng trưởng tốt. Đây là bước đầu để đảm bảo an ninh lương thực, hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm.
Hiện giá lợn hơi tăng lên trên 60.000 đồng/kg. Theo ông Tiến, đây là tín hiệu tốt, bởi từ tháng 7 hàng năm sẽ bước vào chu kỳ giá thực phẩm tăng.
Về lúa gạo, chúng ta đã làm tốt công tác giống. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, vụ Đông Xuân vừa qua năng suất lúa đạt mức cao kỷ lục trong 20 năm qua. Nhiều sản phẩm từ gạo được chế biến sâu, rơm và trấu đều được tận dụng hết.
"Năm nay nhuận hai tháng 2, nhiều người dự báo lúa sẽ mất mùa. Song thực tế cho thấy, năng suất lúa bình quân đạt 67 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha", Thứ trưởng Tiến nhận xét. Giá lúa xuất khẩu đang rất cao, xuất khẩu gạo thu về 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết năm nay, xuất khẩu gạo có thể đạt trên 4 tỷ USD.
Song theo Thứ trưởng, rau quả là ngành đem lại nhiều bất ngờ nhất. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là con số cao kỷ lục của ngành hàng này.
"Nửa cuối năm, nếu tốc độ xuất khẩu được như 6 tháng đầu năm, cả năm 2023 rau quả có thể giúp Việt Nam thu về trên 5 tỷ USD", ông nói. Còn thời gian tới, nếu làm tốt khâu chế biến sâu, công tác giống thì kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ sớm đạt 10 tỷ USD.
Về thủy sản, xuất khẩu vẫn còn giảm sâu. Tuy nhiên, chuyến đi khảo sát vừa mới đây cho thấy nhiều tín hiệu phục hồi. Ông Tiến cho biết, các doanh nghiệp sản xuất cá tra, tôm bắt đầu cho công nhân tăng ca sản xuất để trả đơn hàng. Thế nên, năm nay xuất khẩu thủy sản vẫn đạt mục tiêu 10 tỷ USD.
Ông cũng lưu ý, vài năm trước Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực, đứng đầu, song trong 6 tháng đầu năm nay Trung Quốc vươn lên đứng thứ nhất. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; thị trường Mỹ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.
Những con số trên cho thấy, Trung Quốc là thị trường chủ lực, đơn hàng bùng nổ. Thị trường đã có sự thay đổi nên công tác điều hành của cơ quan chức năng phải linh hoạt, doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất hàng hóa để tập trung vào mũi nhọn này.
"Những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỷ sẽ đạt được", ông khẳng định.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT), nhìn nhận, nhu cầu của các thị trường vẫn ở mức thấp nhưng sẽ phục hồi trong 6 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, ông cho rằng các thị trường đều đòi hỏi rất cao về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là châu Âu. Quy định về IUU và quy định sản xuất chống mất rừng đều xuất phát từ thị trường này. Do vậy, ngoài yếu tố về thương mại chúng ta cần chú trọng vào các vấn đề minh bạch trong truy xuất nguồn gốc.
Theo Vietnamnet