Xuất khẩu nông sản gặp khó
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết: “Tháng 9, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt gần 3,5 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm xuất khẩu nông sản trong tháng 9 là do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, gây ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông…”.
Trong đó, xuất khẩu thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Ngô Văn Ích, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường Mỹ, châu Âu trong tháng 8-2021 giảm từ 16% đến 50% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều mặt hàng như tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua, ghẹ và cá biển giảm từ 20 đến 33% so với cùng kỳ năm trước.
“Dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam - khu vực trọng tâm của thủy sản Việt Nam, chiếm 90-95% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước, cũng như lực lượng lao động của ngành hàng - đã gây khó khăn và áp lực đứt gãy càng tăng đối với cộng đồng doanh nghiệp”, ông Ngô Văn Ích cho biết thêm.
Ngoài mặt hàng thủy sản, xuất khẩu rau, quả cũng đối mặt không ít khó khăn. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty VINA T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho biết, công ty có nhà máy ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… Thời điểm tháng 8, đầu tháng 9, khi công ty đã thu mua dưa hấu, sầu riêng, nhãn, thanh long, vú sữa, xoài ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Nguyên thì dịch bệnh bùng phát, vùng nguyên liệu bị phong tỏa, giãn cách xã hội, gây thiếu hụt lượng lớn lao động.
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, giãn cách xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Cụ thể, trong tháng 8, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, xuất khẩu ước đạt gần 3,4 tỷ USD (giảm 22% so với tháng 7 và giảm 21,6% so với tháng 8-2020). Trong đó, giảm mạnh nhất là sản phẩm gỗ (50,2%), cá tra và tôm (29,7%), rau củ (25,8%), phân bón (23,6%), hồ tiêu (21,5%)…
“Nhiều địa phương, doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất để khôi phục xuất khẩu. Đặc biệt, trong tháng 9-2021, nhiều doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất và đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu…”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nói với phóng viên Báo Hànộimới.
Chủ động phương án sản xuất, xuất khẩu
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) dự báo, nhu cầu tiêu dùng nông sản trên thế giới tăng bình quân 1,5 - 3%/năm trong giai đoạn 2019-2028, mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam. Đặc biệt, do tác động dịch Covid-19 trên thế giới, nhu cầu về nông sản tăng hơn nên các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này.
“Tuy nhiên, diễn biến của dịch Covid-19 trong nước và thế giới sẽ còn phức tạp, do vậy, cùng với đẩy mạnh sản xuất, các doanh nghiệp cần chủ động phương án phòng, chống dịch”, ông Nguyễn Quốc Toản lưu ý.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty VINA T&T Group Nguyễn Đình Tùng thông tin, các vùng nguyên liệu đã hoạt động trở lại, công ty đang đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng các đơn hàng đã ký và tiếp tục tăng tốc để hoàn thành các đơn hàng trong năm.
Nhằm giúp các doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản số 5380/BCT-XTTM về việc khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông - lâm - thủy sản.
Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn khẩn trương tổ chức sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu để khai thác cơ hội thị trường xuất khẩu thời gian tới; khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau Covid-19 để đảm bảo thế chủ động. Trong đó, đặc biệt ưu tiên nhóm nông - lâm - thủy sản.
Sau khi xem xét kiến nghị của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ những phân tích, đánh giá về tiềm năng, triển vọng thị trường xuất khẩu của Bộ Công Thương và theo chức năng, nhiệm vụ được giao để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai tổ chức sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu trên địa bàn, khai thác cơ hội thị trường xuất khẩu thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau Covid-19.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các địa phương rà soát, nắm chắc số lượng, chủng loại sản phẩm cần tiêu thụ, có giải pháp để tự cân đối nhu cầu tại chỗ; đồng thời, cập nhật thường xuyên nhu cầu nhập khẩu của các thị trường để đưa ra khuyến cáo, định hướng chính sách cho người sản xuất, xuất khẩu để cân đối, bảo đảm hàng hóa xuất khẩu chất lượng…
Theo Hanoimoi.com.vn