Thứ Hai, 25/11/2024 20:44:39 GMT+7
Lượt xem: 11598

Tin đăng lúc 22-12-2019

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Cần đầu tư tốt hơn cho chất lượng sản phẩm

Để phát triển xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc một cách bền vững, doanh nghiệp cần tái định vị lại thị trường để duy trì và khai thác hiệu quả, đầu tư tốt hơn cho chất lượng sản phẩm.
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Cần đầu tư tốt hơn cho chất lượng sản phẩm
Cần tái định vị lại thị trường Trung Quốc để duy trì và khai thác hiệu quả, đầu tư tốt hơn cho chất lượng sản phẩm.

Ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại

 

Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc có vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương, cùng tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm, trong đó có các sản phẩm nông sản. Sắp tới đây cả hai nước tiếp tục tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, với mức độ cam kết rộng hơn, sâu hơn và có nhiều lĩnh vực mới hơn.

 

Thời gian qua, Bộ Công Thương luôn coi Trung Quốc là thị trường quan trọng, hàng năm được ưu tiên nguồn lực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) quy mô lớn, huy động sự tham gia của nhiều đối tượng: các hiệp hội ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp với nhiều hình thức đa dạng, tại nhiều địa phương ở Trung Quốc.

 

Để phát huy tối đa lợi ích tiềm tàng từ các Hiệp định thương mại tự do, góp phần phát triển xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc một cách bền vững, Bộ Công Thương đã và đang chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp như xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường Trung Quốc, từ đó nắm bắt được tình hình sản xuất, phân phối, tiêu thụ các chủng loại nông sản đặc thù riêng của từng địa phương tại Trung Quốc để có những giải pháp định hướng kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu, địa phương tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại đáp ứng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng; đổi mới, tăng số lượng và đa dạng hóa hình thức tổ chức chương trình xúc tiến thương mại hàng năm tại Trung Quốc theo hướng tập trung trọng tâm, trọng điểm với từng chủng loại sản phẩm.

 

Bên cạnh đó, trên cơ sở nghiên cứu kỹ thị trường, Bộ Công Thương đã định hướng cho các Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp tập trung sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm nông sản có chất lượng bao bì đóng gói nhỏ, có thương hiệu, giá trị cao vào các kênh phân phối chính thức, trực tiếp tại thị trường Trung Quốc; đồng thời tích cực trao đổi giữa các cơ quan Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, chính sách; mở rộng phạm vi và năng lực XTTM thông qua mạng lưới Văn phòng XTTM tại các địa phương của Trung Quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, song song với việc triển khai các hoạt động XTTM truyền thống (hội chợ, triển lãm, giao thương,...).

 

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo, tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện thương mại, văn phòng XTTM Việt Nam tại địa bàn sở tại trong việc phối hợp tư vấn, cung cấp thông tin về các nhóm ngành hàng có ưu thế xuất khẩu của Việt Nam như trái cây nhiệt đới, thủy hải sản, cà phê, hồ tiêu, gạo... cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử của Trung Quốc; chủ động tìm kiếm doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã của Việt Nam ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; tuyên truyền vận động, tổ chức đoàn mua hàng, đoàn doanh nghiệp khảo sát giao thương nhập khẩu hàng hóa, tham dự các Hội chợ, triển lãm, sự kiện XTTM quốc tế tại Việt Nam như Vietnam Expo, Foodexpo, Vietfish, Hội chợ nông nghiệp quốc tế, Triển lãm mỗi làng một sản phẩm...

 

Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả và cụ thể hóa nội dung các Bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến XTTM đã được ký kết, cụ thể như MOU về thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc với mục tiêu tổ chức kết nối giao thương đối với gạo, trái cây, thủy sản tại các địa phương còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu như Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Sơn Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc...; MOU về phát triển thương mại giữa Bộ Công Thương (Cục XTTM), 12 Sở Công Thương các tỉnh/thành phố của Việt Nam: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn La với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); MOU về phát triển thương mại giữa Bộ Công Thương (Cục XTTM), 10 Sở Công Thương các tỉnh/thành phố (Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hải Phòng, Hưng Yên, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Sơn La) với Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc).

 

Cần đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm

 

Theo Bộ Công Thương, để duy trì thị phần và mở rộng thị trường Trung Quốc, trong thời gian tới, cần phải tổ chức được nguồn hàng đáp ứng đúng và đủ nhu cầu, thị hiếu của thị trường Trung Quốc. Hàng hóa có giá cả phù hợp, chất lượng tốt, phù hợp nhu cầu, thị hiếu người dân sở tại, có sản lượng đủ để cung cấp thường xuyên, lâu dài, đảm bảo tiêu chí xuất xứ để được hưởng ưu đãi của FTA.

 

Về phía Nhà nước, vai trò của các Bộ ngành và địa phương là đưa ra quy hoạch, định hướng đúng đắn để hỗ trợ các doanh nghiệp yên tâm sản xuất; tiếp tục đầu tư công nghệ, giống cây để nâng cao năng suất, chất lượng trái cây xuất khẩu, hạn chế việc dựa chủ yếu vào điều kiện tự nhiên để làm lợi thế cạnh tranh; tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của phía Trung Quốc.

 

Đối với công tác tổ chức xuất khẩu, các doanh nghiệp cần chuyển dần sang kinh doanh theo hình thức thương mại chính quy, ký kết hợp đồng mua bán thay vì xuất khẩu theo hình thức “tiểu ngạch” nhằm hạn chế tối đa hiện tượng ép giá và các rủi ro khác trong thanh toán; theo dõi, cập nhật các thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương Trung Quốc để chủ động trong kế hoạch kinh doanh với thị trường này (doanh nghiệp có thể tiếp cận các thông tin này trên Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương, qua các Bản tin về nông, lâm, thủy sản hàng tuần của Cục Xuất nhập khẩu hoặc trực tiếp qua Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ của Bộ Công Thương tại thị trường Trung Quốc).

 

Bên cạnh đó, cần chủ động phân loại, lựa chọn chủng loại và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu (về nhãn mác, bao bì…) trước khi đưa lên khu vực biên giới để quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng; đồng thời nâng cao chất lượng, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu khả năng hợp tác với một số doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại điện tử để nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, trái cây qua hình thức thương mại điện tử tại thị trường này.

 

Đối với công tác xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và chú trọng việc tham dự các hoạt động Hội chợ, triển lãm quy mô lớn, mang tính quốc tế cao tại Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội giao dịch, kết nối trực tiếp với các đối tác nhập khẩu có uy tín của Trung Quốc nhằm xuất khẩu sang thị trường này một cách chuyên nghiệp; thông qua các cơ quan đại diện của Bộ Công Thương đặt tại Quảng Tây, Quảng Châu, Vân Nam, Trùng Khánh, Hàng Châu cũng như cơ quan Thương vụ của Trung Quốc đặt tại Việt Nam để được hỗ trợ về thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác hợp tác; đẩy mạnh xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm.

 

Đặc biệt, cần phải xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh lâu dài, mạng lưới phân phối, thương hiệu, mẫu mã, bao bì dành riêng và đăng ký bảo hộ tại thị trường Trung Quốc; nâng cao trình độ nghiệp vụ thương mại, hiểu biết về ngôn ngữ văn hóa của thị trường; thậm chí có thể thuê các đơn vị xây dựng phát triển thương hiệu của Trung Quốc phát triển thương hiệu cho các sản phẩm có thế mạnh, có uy tín của Việt Nam để phù hợp hơn với thị hiếu của thị trường- Bộ Công Thương khuyến nghị.

 

Theo VietQ

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang