Thứ Hai, 25/11/2024 18:38:05 GMT+7
Lượt xem: 5298

Tin đăng lúc 05-03-2020

Xuất khẩu qua chuỗi siêu thị: Thúc đẩy hợp tác mở rộng thị trường

Aeon tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa cho tập đoàn, tạo điều kiện hơn nữa cho các sản phẩm của Việt Nam được tiêu thụ trong hệ thống phân phối của tập đoàn tại Việt Nam, Nhật Bản cũng như nhiều thị trường khác...
Xuất khẩu qua chuỗi siêu thị: Thúc đẩy hợp tác mở rộng thị trường
Aeon dành nguồn vốn 2 tỷ USD để mở 25 trung tâm thương mại tại Việt Nam đến 2025

Trước những tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ, hay chế biến… đang gặp khó vì thiếu nguyên liệu. Tương tự, ngành than - khoáng sản cũng đang lo lắng do lao động Trung Quốc chưa thể sang làm việc.

 

Việc mới đây, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vừa thông báo rút Việt Nam khỏi danh sách nguy cơ lây nhiễm cộng đồng về dịch Covid-19 là một tín hiệu tốt để các doanh nghiệp bình tĩnh đối mặt và tìm cách thích ứng với thực tế. Tuy nhiên, dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, lây lan tại hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ, ở nhiều nước, dịch có tốc độ lây lan cao, tử vong nhiều khiến các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm quốc tế... vốn là nơi các doanh nghiệp có thể tìm kiếm đơn hàng, đối tác cho cả năm đã bị hủy bỏ. Tác động từ dịch bệnh không còn là việc thiếu nguyên liệu, đơn hàng cho sản xuất, mà cả đầu ra cũng bị ảnh hưởng khi nhu cầu trên thị trường sụt giảm mạnh.

 

Nhiều ngày qua, các hiệp hội, hội ngành nghề, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã rất tích cực bàn thảo và gửi kiến nghị tới Chính phủ, các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

 

Trong bối cảnh đó, với những nỗ lực của mình, Công ty Aeon Mall Việt Nam  -  doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản đã đưa rất nhiều sản phẩm, nông sản của Việt Nam sang tiêu thụ tại Nhật Bản. Ở chiều ngược lại, các trung tâm thương mại của Aeon ở Việt Nam cũng tiêu thụ rất nhiều sản phẩm trong nước. Năm nay, Aeon phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam khoảng 500 triệu USD, đến năm 2025 sẽ là 1 tỷ USD sang Nhật Bản và các nước có chuỗi tiêu thụ của Aeon. Ở Việt Nam có rất nhiều sản phẩm phù hợp để đạt mục tiêu này, ông Iwamura Yasutsugu, Tổng giám đốc Công ty Aeon Mall Việt Nam cho biết.

 

Song song với hoạt động kinh doanh, Aeon cũng đang tổ chức nhiều hội thảo ở các địa phương của Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam; hợp tác với các tổ chức Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển sản xuất hàng hóa, xây dựng nông thôn mới; tích cực phối hợp với Bộ Công thương Việt Nam tổ chức các sự kiện Tuần lễ hàng Việt Nam tại các siêu thị ở Nhật Bản; chú trọng tìm các nguồn hàng Việt Nam để nâng kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, Tập đoàn Aeon đã chuẩn bị nguồn vốn 2 tỷ USD để mở 25 trung tâm thương mại tại Việt Nam, đến 2025.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai mạnh mẽ các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, qua đó tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản, đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam.

 

Tập đoàn Aeon cần tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam; các trung tâm thương mại của Aeon sẽ là địa chỉ mua sắm tin cậy cũng như điểm vui chơi giải trí hiện đại, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Việt Nam.

 

Cùng với đó, Aeon cũng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa cho tập đoàn, tạo điều kiện hơn nữa cho các sản phẩm của Việt Nam được tiêu thụ trong hệ thống phân phối của tập đoàn tại Việt Nam, Nhật Bản cũng như nhiều thị trường khác; hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương Việt Nam tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư tại Nhật Bản và các nước khác mà tập đoàn có hệ thống trung tâm thương mại, để xuất khẩu của Aeon không chỉ dừng ở con số 500 triệu USD. Việt Nam sẽ tăng cường khâu chế biến nông sản, thực phẩm, dệt may… đáp ứng yêu cầu về chất lượng của phía Aeon, để cùng thành công, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản.

 

Trước đó, Công ty TNHH MM Mega Market cũng đã phối hợp với Bộ Công thương đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, góp phần giảm bớt khó khăn cho người sản xuất, nhất là nông dân thời dịch Covid-19.

 

Là nhà cung cấp thực phẩm cho gần 1 triệu khách hàng chuyên nghiệp tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho gần 4.000 lao động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động gián tiếp, MM Mega Market còn là doanh nghiệp tiên phong xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn với việc vận hành 4 trạm trung chuyển thực phẩm được đánh giá là có quy mô lớn hàng đầu tại Việt Nam, gồm: Trạm trung chuyển cá tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Trạm trung chuyển rau quả Đà Lạt; Trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai và Trạm trung chuyển trái cây Bến Tre. Cùng đó, công ty cũng tham gia xuất khẩu nhiều loại hàng hoá của Việt Nam. Riêng trong năm 2019, công ty đã xuất khẩu hơn 1.000 tấn hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Thái Lan.

 

Hiện tại, MM Mega Market đang có kế hoạch xây dựng thêm trạm trung chuyển rau, củ, quả tươi, thịt lợn, thịt gà và trứng gà, trứng vịt tại khu vực phía Bắc nhằm cung cấp ổn định sản lượng, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm tươi sống đến người tiêu dùng và giảm thiểu chi phí logistic theo đúng chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam.

 

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, bộ ủng hộ các đề xuất của MM Mega Market trong nỗ lực tham gia sản xuất, tiêu thụ, nhất là xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bộ Công thương mong muốn doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ (cả trong nước và xuất khẩu) hàng hóa của Việt Nam, đồng thời, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu hàng hoá của Việt Nam trong hệ thống của doanh nghiệp cả trong và ngoài nước để vừa giúp đa dạng hóa sản phẩm, tăng doanh số bán hàng… vừa góp phần đưa các sản phẩm có chất lượng cao của Việt Nam tới người tiêu dùng trong khu vực và trên thế giới.

 

Nhờ sự vào cuộc tích cực đó, trong 2 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ của cả nước vẫn đạt mức tăng trưởng 8,5%, cho thấy nội lực và sức tiêu thụ trong nước vẫn duy trì ở mức khá.  Điều này chứng tỏ, nếu chủ động chuyển đổi, tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, giảm sự lệ thuộc vào các đầu mối kinh doanh truyền thống, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ, càng phải đẩy mạnh liên kết, hợp tác trở thành khách hàng, thị trường của nhau, cùng chia sẻ nguồn nguyên phụ liệu mới có thể cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, cụ thể  với mặt hàng nông sản. Chính việc xuất khẩu thô, sản phẩm tươi sống là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu thụ nông sản gặp khó khăn thời gian qua. Phát triển chế biến sâu không chỉ giúp người sản xuất nguyên liệu có nơi tiêu thụ ổn định mà còn làm gia tăng giá trị sản phẩm và định hình thương hiệu cho doanh nghiệp.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang