Xuất khẩu rau quả duy trì đà tăng trưởng
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 10/2023 đạt 608,8 triệu USD, giảm 8,8% so với tháng 9/2023, nhưng tăng 99,8% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 4,8 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu rau quả tiếp tục là điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của cả nước, mặc dù tháng 10/2023 giảm so với tháng 9/2023, nhưng vẫn tăng rất mạnh so với tháng 10/2022. Điều này góp phần nâng trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt khoảng 5,8 đến 6 tỷ USD trong năm 2023.
Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 10 tháng năm 2023 và có tốc độ tăng trưởng rất cao, đạt 3,2 tỷ USD, tăng 164,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Hà Lan, UAE cũng tăng đáng kể trong 10 tháng năm 2023.
Đáng chú ý, trong báo cáo mới nhất từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong tháng 10/2023 có thể đạt mức cao kỷ lục từ 450 - 500 triệu USD. Lũy kế 10 tháng năm 2023, giá trị sầu riêng xuất khẩu lên tới 2,2 tỷ USD.
Với kết quả trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo trong hai tháng cuối năm, nước ta có thể thu về khoảng 200 - 300 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm lên 2,4 - 2,5 tỷ USD.
Cùng với sầu riêng, bưởi cũng trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu rau quả bởi theo số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong năm 2023, bưởi đã ghi danh là loại quả có kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu trái bưởi đạt 29,6 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ 2022, mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.
Kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm
Dù tình hình xuất khẩu rau quả đang ghi nhận những điểm sáng nổi bật, tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định về phía nhập khẩu.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm mít, thanh long…
Năm nay, đã có một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
Do đó, các doanh nghiệp và các địa phương cần kiểm soát tốt chất lượng để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu.
Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch từ các thị trường nhập khẩu. Có như vậy, ngành hàng rau quả và xuất khẩu rau quả mới đạt được tăng trưởng bền vững trong những năm tới.
Đối với EU, trong 10 tháng vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra gần 3.900 cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu, trong đó có 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam. Con số này đã giảm khoảng 15% so với năm 2022.
Rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 trường hợp, tiếp đó là sản phẩm thủy sản, bánh kẹo và các sản phẩm chế biến khác. Trong đó vi phạm do dư lượng hóa chất chiếm cao nhất với gần 60%
Theo các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh, cứ 6 tháng một lần, EU sẽ rà soát tất cả doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Nếu chấp hành tốt các quy định, EU sẽ giảm tần suất kiểm tra, giảm quy định, thủ tục đối với nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập vào.
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản, thực phẩm quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường nhiều thách thức khi liên tục thay đổi các biện pháp về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật.
Do vậy vấn đề đặt ra lúc này là các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ những quy định để kịp thời điều chỉnh sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn mới. Đồng thời, các cơ quan hữu quan cũng cần đồng hành với doanh nghiệp trong chiến lược đưa hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này.
Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, 10 tháng năm 2023, EU đã đưa ra 103 thông báo dự thảo lấy ý kiến các thành viên WTO về việc thay đổi các biện pháp về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật. Khi hàng hóa đến cảng nhập mà không đảm bảo các tiêu chuẩn nhà nhập khẩu đưa ra chỉ có 2 cách xử lý hoặc là trả về hoặc là tiêu hủy. Nguy cơ bị cảnh báo cũng đến từ quá trình vận chuẩn không đúng quy trình, đặc biệt là hàng nông sản tươi sống.
Ông Ngô Xuân Nam khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU muốn đáp ứng được tín hiệu thị trường thì phải nắm chắc, hiểu đúng các thông báo, dự thảo thông báo này để áp dụng vào thực tiễn. Bởi vì quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh, quy định SPS là quy định bắt buộc áp dụng.
Theo Congthuong