Cụ thể, sầu riêng là ngành hàng đóng góp nhiều nhất về kim ngạch xuất khẩu. Qua 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây tỷ đô này ước đạt 1,6 tỷ USD, gấp hơn 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là mít, xoài, nhãn, bưởi, dưa hấu.
Ngoài sự tăng trưởng ở các thị trường chính như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... lượng trái cây Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu ước tính cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: chanh leo, thanh long, dừa, dứa và mãng cầu xiêm.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, để gia tăng giá trị ngành hàng rau quả cần tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia vào chế biến sâu, bởi tăng cường chế biến sâu không chỉ giảm tổn thất sau thu hoạch, mà còn gia tăng giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần so với xuất khẩu rau quả tươi như hiện nay. Cùng với đó cần bổ sung các cơ chế chính sách và cải cách hành chính là yếu tố then chốt để tạo môi trường đầu tư thông thoáng.
Bên cạnh những nỗ lực đáp ứng tốt về tiêu chuẩn chất lượng, ngành sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho rau quả Việt sang các thị trường tiềm năng, đặc biệt là thị trường có giá trị cao.
“Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã có bước chuyển biến ngay từ đầu quý 3. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào các giải pháp và có điều chỉnh, điều hành linh hoạt trong xúc tiến thương mại cũng như giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của năm nay” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Theo VOV