Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết không ít người lo lắng khi chúng ta hội nhập. Lo lắng này xuất phát từ sức ép cạnh tranh hàng hóa khi Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ cho bên ngoài. Tuy nhiên, ông Khánh trấn an bằng cách nói rõ về tiến trình mà Việt Nam đã “kinh qua”.
Theo đó, trong FTA với EU không phải là lần đầu tiên Việt Nam cam kết giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa bên ngoài, mà việc này đã diễn ra từ năm 1995 khi giảm thuế với các nước ASEAN, dù các nước này là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng ta.
Hơn nữa, vào năm 2000, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ (BTA), đánh dấu bằng việc lần đầu tiên đưa ra cam kết mở cửa thị trường dịch vụ cho bên ngoài về phân phối, bảo hiểm, ngân hàng… Chưa kể, từ khi gia nhập WTO, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 500 triệu USD lên hơn 160 tỷ USD cho thấy tác động tích cực của hội nhập.
Nói tiếp câu chuyện hội nhập, ông Khánh cho biết, khi nhìn về các FTA, trong đó có EVFTA, chúng ta thường chú ý lợi ích, cơ hội có thể tính toán được như việc dỡ bỏ thuế quan. Với EVFTA, việc giảm thuế mà EU dành cho Việt Nam sẽ giúp 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể hưởng thuế suất 0% khi Hiệp định có hiệu lực.
Tuy nhiên, lợi ích từ các FTA mang lại không chỉ dừng ở đó. Việc tham gia các FTA thế hệ mới thể hiện nỗ lực của Việt Nam để cân đối lại thị trường xuất khẩu.
Thực tế hiện nay, trên 70% hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam đến từ các nước Đông Á như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Với tỉ lệ phụ thuộc lớn như vậy, nếu thị trường nhập khẩu rủi ro thì xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng gặp bất lợi.
“Trước năm 1998, xuất khẩu của Việt Nam thường xuyên tăng trưởng trên 20%, nhưng khi khủng hoảng Đông Á diễn ra thì xuất khẩu của Việt Nam trong năm 1998 tăng chưa đầy 2%. Nhận thức được rủi ro này, Chính phủ đã quyết định đàm phán các FTA để cân đối thị trường, cân bằng xuất nhập khẩu, giảm thiểu rủi ro”, ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Việt Nam hiện là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) kết nối thị trường hơn 600 triệu dân. Khi tham gia các FTA thế hệ mới với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU… sẽ giúp Việt Nam có thể kết nối với tất cả các nước trên thế giới.
Doanh nghiệp hãy nỗ lực
Có thể thấy, các FTA đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội rất lớn. Tuy nhiên, có nắm được cơ hội đó hay không, theo ý kiến nhiều chuyên gia còn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, dường như DN vẫn nghĩ và làm theo cách cũ là chờ đợi khách hàng tìm đến mình. Nhưng cách làm này không còn phù hợp với tình hình hiện nay.
Theo đó, DN đi nhiều hơn, trực tiếp tiếp cận hệ thống phân phối, tiếp cận khách hàng, lắng nghe phản hồi của họ về sản phẩm, từ đó có điều kiện cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm để có thể tăng cường xuất khẩu sang EU, cũng như các thị trường khác.
EU là thị trường tương đối đồng nhất nhưng đòi hỏi cao hơn các thị trường khác, do vậy, muốn "vào" EU, DN luôn phải coi trọng chất lượng và ổn định chất lượng sản phẩm trong thời gian dài.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư kí Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra lời khuyên về việc xu thế của thế giới hiện nay là các DN phải tạo ra sản phẩm “xanh”.
“Chúng ta có rất nhiều chính sách hỗ trợ DN phát triển tăng trưởng xanh. Những sản phẩm ít khí thải, ít carbon, sản xuất trong môi trường thân thiện với người lao động, tận dụng tối đa nguồn lực… hướng đến một nền kinh tế phi khí thải là điều mà người châu Âu ưa chuộng. Vì vậy, DN Việt nên hướng tới để tận dụng Hiệp định này”, ông Vinh chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam và EU sẽ thành lập ra một ban chung. Khi có bất kì vấn đề gì liên quan, hai bên sẽ đưa ra để bàn bạc theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn của châu Âu.
Mặt khác, ban này cũng sẽ có vai trò trung gian đàm phán để hai bên công nhận các tiêu chuẩn tương đương của nhau về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về thời gian thông qua EVFTA, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thông tin đoàn đàm phán Việt Nam cố gắng chứng minh các giá trị tốt đẹp của Hiệp định mang lại cho nhân dân và cho DN. Còn quyền quyết định sẽ thuộc về Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu.
Nguồn: Chinhphu.vn