Thứ Sáu, 22/11/2024 18:33:23 GMT+7
Lượt xem: 2283

Tin đăng lúc 29-07-2017

Xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn khả quan

Dù tăng trưởng xuất khẩu (XK) nước ta sang Hoa Kỳ từ đầu năm đến nay giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng theo đánh giá của Bộ Công Thương, XK sang thị trường này vẫn khả quan, dự báo đạt 40 tỷ USD trong năm nay.
Xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn khả quan
Giày dép - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường Hoa Kỳ

Sáu tháng đầu năm 2017, Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 19,6 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng thấp hơn mức tăng 12,8% năm trước. 

 

Theo phân tích của Bộ Công Thương, nguyên nhân khiến tăng trưởng XK sang Hoa Kỳ giảm so với năm ngoái là bởi tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ những tháng đầu năm chậm hơn so với kỳ vọng. Trong bối cảnh đó, mức tăng trưởng XK của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ là kết quả tích cực. 

 

Đơn cử, số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ cho thấy, 5 tháng đầu năm, trong số các quốc gia XK sang Hoa Kỳ, mức tăng trưởng XK của Việt Nam xếp thứ 2 (đạt 8,9%), chỉ sau Ireland (tăng 22%), cao hơn mức tăng trưởng nhập khẩu chung của Hoa Kỳ (tăng 7,14%) và xếp trên Trung Quốc (tăng 7,1%), Ấn Độ (tăng 9%)...

 

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng XK chính của Việt Nam đạt mức tăng trưởng tốt tại thị trường Hoa Kỳ và cao hơn mức tăng trưởng của 5 tháng đầu năm 2016 như: Dệt may tăng 6,9%, cao hơn mức tăng 6,3% của 5 tháng đầu năm 2016; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 16,8% (cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 7,8%); giày dép các loại tăng 13,2% (cùng kỳ năm 2016 tăng 8%)… Ngoài ra, một số mặt hàng tuy có mức tăng trưởng thấp hơn tại thị trường Hoa Kỳ nhưng tăng trưởng chung vẫn tốt là do nỗ lực đa dạng hóa thị trường XK của doanh nghiệp. Đơn cử, 5 tháng đầu năm, kim ngạch XK máy vi tính, điện tử và linh kiện sang thị trường Hoa Kỳ đạt 1,05 tỷ USD, giảm 1,5%. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, XK mặt hàng điện thoại tăng mạnh với 46,7%. Trong đó tăng gấp đôi ở ASEAN và Trung Quốc, tăng 121% ở Ấn Độ, tăng 104% ở Mexico... Hoặc với mặt hàng thủy sản, sau 5 tháng, kim ngạch XK sang Hoa Kỳ đạt 483,4 triệu USD, giảm 6,7%. Tuy nhiên, XK chung của mặt hàng này trong cùng thời điểm tăng 13,8%. Nguyên nhân do DN bắt đầu có sự chuyển hướng XK sang thị trường EU, Nhật Bản (đối với tôm) và Trung Quốc (đối với cá tra, tôm sú)...

 

Nhìn chung, việc Hoa Kỳ rời khỏi TPP đến thời điểm hiện tại chưa gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và đầu tư của Hoa Kỳ với Việt Nam. Thực tế, nhiều mặt hàng máy móc, thiết bị, máy vi tính và linh kiện XK chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ đều là sản phẩm của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ hiện nay là xu hướng bảo hộ thông qua rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm. Điển hình như các quy định về dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong gạo, quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh đối với thủy sản hay chương trình thanh tra cá da trơn... Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo các DN, cần có giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm nhằm giữ vững và mở rộng thị phần XK tại thị trường này. 

 

Bộ Công Thương dự báo, năm 2017, kim ngạch XK sang Hoa Kỳ có thể đạt trên 40 tỷ USD và đây cũng là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang