Chủ Nhật, 24/11/2024 19:05:34 GMT+7
Lượt xem: 984

Tin đăng lúc 25-11-2021

Xuất khẩu sang thị trường Israel: Doanh nghiệp chú trọng các chứng nhận tự nguyện

Đó là chia sẻ của ông Lê Thái Hoà – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Israel tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Israel do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức, ngày 24/11.
Xuất khẩu sang thị trường Israel: Doanh nghiệp chú trọng các chứng nhận tự nguyện
Doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa gia tăng xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Israel

Theo ông Lê Thái Hoà, quan hệ thương mại Việt Nam- Israel tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2018, trao đổi thương mại hai nước mới đạt 1,2 tỷ USD, đến năm 2020 đã đạt xấp xỉ 1,6 tỷ USD, dự kiến năm 2021 tiếp tục tăng và đạt khoảng 1,9 tỷ USD.

 

Israel hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Dù quy mô và dung lượng thị trường của Israel không lớn với khoảng 9,3 triệu dân nhưng nhu cầu tiêu dùng cao, nhập khẩu lớn, do vậy còn rất nhiều dư địa cho hai nước tăng cường trao đổi thương mại.

 

Hàng năm, có trên 70 loại mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Israel. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính bổ sung cho nhau, không bị cạnh tranh trực tiếp. Mặt hàng Israel có nhu cầu nhập khẩu để phục vụ tiêu dùng trong nước cũng là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, như: Điều, thuỷ sản, cà phê, dệt may, giày dép các loại…

 

Cũng theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Israel, ngoại trừ điện thoại di động- chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel- chủ yếu thuộc về nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch còn lại là doanh nghiệp thuần Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

 

Do không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế, doanh nghiệp Israel tìm nguồn hàng nhập khẩu thường là sản phẩm chế biến sẵn để đưa ngay vào hệ thống phân phối. Mặt khác, doanh nghiệp Israel làm ăn nghiêm túc, năng động, giao dịch nhanh.

 

Nhu cầu mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng Việt Nam của doanh nghiệp Israel khá ổn định. Nhiều doanh nghiệp Israel đã về Việt Nam tìm hiểu và ký hợp đồng với nhà sản xuất trong nước. “Trong thời điểm bùng dịch đã có doanh nghiệp Israel bày tỏ sẵn sàng sang Việt Nam, thậm chí chấp nhận cách ly để gặp gỡ nhà cung cấp Việt Nam”, ông Lê Thái Hoà nói.

 

Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang Israel. Đầu tiên, Israel là quốc gia thường xuyên xảy ra xung đột gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp, ngôn ngữ sử dụng chủ yếu là tiếng do thái. Gần đây Israel xiết chặt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù hội nhập mạnh nhưng quốc gia này lại bảo hộ thị trường rất chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Mức thuế nhập khẩu lương thực, thực phẩm hiện tại trung bình ở mức 19,1%, cao hơn nhiều so với mức 3% của nhóm hàng phi nông sản.

 

Dù vậy với dư địa lớn, thị trường Israel vẫn rất đáng để doanh nghiệp trong nước tập trung khai thác. Ông Lê Thái Hoà cũng lưu ý: Israel không thuộc danh sách các nước có yêu cầu cấp chứng thư đối với hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam nhưng áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ. Hầu hết tiêu chuẩn của Israel tuân theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ. Doanh nghiệp cần tuân thủ để tránh bị từ chối nhận hàng và tái xuất.

 

Israel là đất nước có đặc trưng tôn giáo, doanh nghiệp chủ yếu được phân thành 2 nhóm lớn, gồm: Doanh nghiệp của người do thái theo đạo do thái chính thống và doanh nghiệp Ả - rập theo đạo hồi. Mặc dù không phải quy định pháp lý bắt buộc nhưng thông thường doanh nghiệp do thái khi nhập khẩu hàng hoá thường đòi hỏi phải có chứng nhận Kosher, doanh nghiệp Ả - rập đòi hỏi chứng nhận Halal. “Các chứng nhận này được áp dụng với 1 số sản phẩm nhất định, chủ yếu thuộc nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Chứng nhận mang tính chất tự nguyện và phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của nhà nhập khẩu với từng chủng loại hàng hoá, theo từng lần giao dịch, lô hàng nhất định” - ông Lê Thái Hoà nhấn mạnh.

 

Riêng về chứng nhận Kosher, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Israel bổ sung thông tin: Bản chất, đây là quy định tôn giáo của đạo do thái áp dụng cho thực phẩm. Mặc dù phức tạp nhưng chứng nhận Kosher có 1 số nguyên tắc cơ bản, trong đó chỉ một số loại động vật có vú, chim, cá đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định mới được chứng nhận Kosher. Động vật có vú và chim được coi là Kosher phải được giết mổ theo quy trình…

 

Chứng nhận Kosher không phải là yêu cầu pháp lý để nhập khẩu thực phẩm vào Israel, tuy nhiên sản phẩm không theo tiêu chuẩn Kosher có thị phần nhỏ hơn tại Israel. Hầu hết siêu thị, khách sạn từ chối sử dụng sản phẩm không có chứng nhận này. Do đó doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần lưu ý.

 

Tại phiên tư vấn, ông Đỗ Minh Hùng – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Israel cũng - nhấn mạnh: Israel là thị trường quy củ, bài bản và có tiêu chuẩn cao, khi làm ăn tại Israel doanh nghiệp cần nắm được đầy đủ quy định, tập tục làm ăn của quốc gia và doanh nghiệp đối tác.

 

Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam- Israel đã trải qua 10 phiên đàm phán, hai bên đang nỗ lực để có thể sớm kết thúc, ký kết trong thời gian tới. Hiệp định được đi vào thực thi sẽ tạo thuận lợi hơn nữa trong việc mở của thị trường, gia tăng thương mại giữa hai nước.

 

Theo Congthuong.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang