Thị trường tiềm năng
Chia sẻ tại hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông - châu Phi” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Tạ Hoàng Linh - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - cho biết, là khu vực có diện tích rộng trên 36 triệu km2 với dân số gần 1,5 tỷ dân, Trung Đông - châu Phi có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây được coi là thị trường đầy tiềm năng và nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông - châu Phi đạt khoảng 6,2 tỷ USD (mặt hàng điện thoại và các loại linh kiện chiếm 62% tổng kim ngạch xuất khẩu). Các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu… cũng rất được ưa chuộng tại thị trường này. 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu sang khu vực này khoảng 5,1 tỷ USD.
Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á và Nam Á (Bộ Công Thương) - cũng khẳng định, các nước Trung Đông - châu Phi có nhu cầu lớn về nhập khẩu lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng, sữa... Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các nước trong khu vực, đặc biệt các nước thuộc khối Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - nơi áp dụng thuế nhập khẩu thấp từ 0-5% đối với hàng hóa nhập khẩu ngoài khối. Bên cạnh đó, các nước Trung Đông còn có nhu cầu cao về vật liệu xây dựng, dây điện và cáp điện, sản phẩm nội thất, thực phẩm chế biến, sữa và sản phẩm chế biến từ sữa, máy móc thiết bị văn phòng... vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Không ít trở ngại
Dù xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này liên tục tăng nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tận dụng hết cơ hội. Nguyên nhân chính do khó khăn về vị trí địa lý khiến chi phí vận chuyển cao, mất nhiều thời gian. Thêm nữa, không ít mặt hàng của Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... Ngoài ra, châu Phi có khoảng 40% dân số theo đạo Hồi nên nhiều sản phẩm của Việt Nam đặc biệt là sản phẩm giết mổ khi xuất sang phải chờ cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn Halal mất khá nhiều thời gian.
Để khắc phục hạn chế này, ông Ngô Khải Hoàn cho rằng, doanh nghiệp cần tìm hiểu phong tục, tập quán kinh doanh; tìm hiểu kỹ đối tác thông qua thương vụ, cơ quan đại diện của Việt Nam. Doanh nghiệp cũng cần có định hướng chiến lược để nâng cao khả năng cạnh tranh, chú trọng việc cải thiện và phát triển kênh phân phối; tích cực tham gia và triển khai hoạt động xúc tiến thương mại như khảo sát thị trường, tham dự hội chợ, triển lãm chuyên ngành, tận dụng tốt ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do.
Bộ Công Thương hiện có 5 cơ quan Thương vụ và 9 Đại sứ quán tại các nước châu Phi. Doanh nghiệp Việt Nam có thể nhờ Đại sứ quán hoặc Thương vụ tìm hiểu về đối tác… |
Nguồn Báo Công Thương điện tử