Chủ Nhật, 24/11/2024 00:23:49 GMT+7
Lượt xem: 1998

Tin đăng lúc 02-04-2023

Xuất khẩu sầu riêng đối diện với thách thức gì?

Với số lượng mã số vùng trồng được cấp còn khiêm tốn, trong khi diện tích trồng sầu riêng tăng nóng, xuất khẩu sầu riêng đang đối diện với thách thức không nhỏ.
Xuất khẩu sầu riêng đối diện với thách thức gì?

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, quý I/2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 1 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng, khoảng 23%. Một trong những nguyên nhân đó là Việt Nam đã mở cửa chính ngạch được nhiều loại nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc, đáng chú ý đó là việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng, chuối, khoai lang.

 

Trung Quốc là thị trường rất quan trọng đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam, chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch kim ngạch xuất khẩu. Ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ, năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng 3,36 tỷ USD. Riêng sầu riêng, nhờ ký kết Nghị định thư, từ tháng 9/2022, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh mẽ.

 

Với kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2022 đạt khoảng 420 triệu USD, dự kiến năm nay, tình hình thuận lợi, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sẽ đạt con số khoảng trên dưới 1 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành rau quả đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Cùng với sầu riêng, từ ngày 8/1/2023, thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và hút hàng khiến giá nhiều loại nông sản trái cây của Việt Nam những tháng đầu năm 2023 tăng mạnh như thanh long, mít,….

 

Để tạo sự đột phá về tiêu thụ sầu riêng tại thị trường Trung Quốc, cũng như tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 và các năm tiếp theo, ông Đặng Phúc Nguyên cũng đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam đẩy mạnh đàm phán với phía Trung Quốc cấp phép thêm nhiều mã vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói.

 

Bởi theo ông Đặng Phúc Nguyên, hiện nay, chúng ta mới có 246 mã vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói được Hải quan Trung Quốc cấp phép. Con số này quá ít so với Thái Lan với 20.000 mã số vùng trồng và 2.000 mã số cơ sở đóng gói được cấp phép.

 

Và với số lượng mã số được cấp phép ít như vậy khó có thể tiêu thụ được hết lượng sầu riêng của Việt Nam với diện tích hiện nay đã lên đến 110.000 ha, sản lượng gần 1 triệu tấn/năm. “Nếu số lượng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói được cấp phép không tăng lên thì Việt Nam sẽ có hiện tượng "thắt cổ chai" trong việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Bởi tình trạng có hàng nhưng hết hoặc không đủ quota để xuất khẩu”, ông Đặng Phúc Nguyên lo ngại.

 

Ông Đặng Phúc Nguyên cũng kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bố trí đủ cán bộ để kiểm tra, hướng dẫn, tư vấn giúp các nông hộ, doanh nghiệp các bước chuẩn bị cơ bản, cần thiết, chu đáo để khi Hải quan Trung Quốc kiểm tra, cấp mã thì sẽ đạt 100%, tránh tình trạng nhiều vườn sầu riêng bị rớt sau khi kiểm tra.

 

Bên cạnh thanh long, sầu riêng được kỳ vọng sẽ là mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu tỷ USD trong tương lai. Do đó, cần chú trọng và có chính sách bảo vệ hoạt động trong ngành hàng này. Thậm chí, cần có luật xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, chống hàng giả, hàng nhái,… làm mất thương hiệu quốc gia, nhất là mặt hàng sầu riêng. “Tại Thái Lan, có luật xử phạt nặng những ai buôn bán, thu hoạch sầu riêng non để xuất khẩu”, ông Đặng Phúc Nguyên dẫn chứng.

 

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - cho biết, sầu riêng Việt Nam đang bị cạnh tranh quyết liệt với sầu riêng Thái Lan cả về chất lượng lẫn số lượng khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân do, Thái Lan là nước có nền sản xuất sầu riêng đi trước Việt Nam nhiều thập kỷ, trình độ sản xuất lẫn thương hiệu đều tốt hơn.

 

Đáng chú ý, trong thời gian vừa qua, sầu riêng là cây trồng có diện tích phát triển tương đối "nóng". Theo Đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng cả nước có khoảng 65.000 - 75.000 ha trồng sầu riêng, với sản lượng 830.000 - 950.000 tấn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, diện tích trồng sầu riêng đạt khoảng 110.000 ha, tăng 35.000 ha so với định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Trước đây, sầu riêng chủ yếu tập trung ở đồng bằng Sông Cửu Long, do ảnh hưởng xâm nhập mặn, diện tích sầu riêng có xu hướng chuyển dịch lên Đông Nam bộ, Tây Nguyên. Nguyên nhân là do từ khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, giá bán sầu riêng cao hơn so với nhiều loại cây ăn quả khác khiến người dân ồ ạt chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

 

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Chỉ thị 8084 cho các địa phương xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung gắn với chế biến, liên kết với doanh nghiệp. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để cơ quan chức năng rà soát cấp mã số vùng trồng, mã số xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, khuyến cáo người dân không tự ý chặt phá cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng như xảy ra ở Tây Nguyên, Tây Nam bộ. “Để sầu riêng Việt Nam xuất khẩu được giá cao thì phải quan tâm đến chất lượng và bắt đầu từ cây giống, phải quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống đưa vào canh tác”, ông Lê Văn Đức nói.

 

Bên cạnh những thách thức đặt ra cho xuất khẩu sầu riêng, ông Lê Văn Đức cho rằng, với lợi thế mùa vụ, sầu riêng Việt Nam không sợ sự cạnh tranh của sầu riêng Trung Quốc. “Sầu riêng Việt Nam có vụ sản xuất từ tháng 5 năm nay cho đến tháng 4 năm sau và thời gian này rơi vào mùa khô và mùa đông của Thái Lan và Trung Quốc nên sầu riêng Việt sẽ có lợi thế xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường”, ông Lê Văn Đức chia sẻ.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang