Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 6/2021, sản xuất thép các loại đạt 2.562.810 tấn, giảm 12,21% so với tháng trước nhưng tăng 31% so với cùng kỳ 2020.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất thép các loại đạt 15.926.051 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng đạt 14.055.289 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ 2020, trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 3.420.869 tấn, tăng 84,4% so với 6 tháng năm 2020.
VSA cho biết tháng 5/2021, xuất khẩu thép của Việt Nam đạt gần 980 ngàn tấn, giảm 4,01% so với tháng trước, nhưng tăng 28,76% so với cùng kỳ năm 2020 về sản lượng xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu đạt hơn 832 triệu USD tăng 8,18% so với tháng 4/2021 và tăng gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu thép đạt 4,88 triệu tấn, với trị giá đạt 3,61 tỷ USD đến hơn 20 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc...
Theo VSA, thị trường thép 6 tháng đầu năm 2021 cũng có tín hiệu phục hồi tích cực, tăng trưởng sản xuất thép thô toàn cầu 5 tháng 2021 tăng 14,5% so với cùng kỳ 2020. Giá cả nguyên liệu sản xuất thép và thép thành phẩm diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng kể từ cuối năm 2020, đến giữa tháng 3 có xu hướng giảm và sau đó tăng trở lại đến cuối tháng 5 đã điều chỉnh giảm và có xu hướng ổn định.
Để hạ giá thép, VSA khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất hạn chế xuất khẩu thép, tăng cung thép cuộn cán nóng, thép thô cho thị trường nội địa.
Hiện năng lực sản xuất thép của doanh nghiệp trong nước tăng nhiều so với trước, nhất là mặt hàng thép xây dựng, "cung cơ bản đáp ứng cầu". Nhưng để tránh thêm những cú sốc giá, bình ổn giá thép tại thị trường nội địa, VSA cho rằng, các doanh nghiệp nên ưu tiên nguồn nguyên liệu thép thô, thép cuộn cán nóng cho thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu và giảm chi phí sản xuất... để bảo đảm giá bán hợp lý, bình ổn giá trên thị trường.
Theo Vnbusiness