Thứ Sáu, 22/11/2024 02:41:38 GMT+7
Lượt xem: 7899

Tin đăng lúc 09-01-2019

Xuất khẩu thủy sản năm 2019: Tận dụng cơ hội bứt phá

Năm 2019, cùng với nhu cầu gia tăng của thị trường, việc nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) có hiệu lực được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Xuất khẩu thủy sản năm 2019: Tận dụng cơ hội bứt phá

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - ngoài việc tăng trưởng như kỳ vọng, việc định vị thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới đã có những chuyển biến tích cực. Người tiêu dùng thế giới ngày càng đánh giá cao sản phẩm thủy sản Việt Nam bởi nguồn cung ổn định và mức độ an toàn thực phẩm tốt. Đơn cử thị trường châu Âu trong năm qua đã có mức tăng trưởng đáng kể do doanh nghiệp (DN) đảm bảo các yêu cầu về dư lượng kháng sinh cũng như yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, ngành thủy sản cũng gặp không ít khó khăn khi thị trường biến động theo hướng các nước gia tăng nguồn cung, tăng rào cản thương mại. Cụ thể như sản phẩm tôm, với sự tăng trưởng nguồn cung của Indonesia và Ấn Độ đã khiến tôm Việt phải cạnh tranh rất khốc liệt. Hay với ngành hàng hải sản, chúng ta đang bị Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng IUU khiến việc xuất khẩu bị sụt giảm đáng kể…

 

Đánh giá về triển vọng của ngành trong năm 2019, ông Trương Đình Hòe cho hay, cơ hội mở ra cho ngành thủy sản là rất lớn khi tốc độ tiêu thụ thủy sản của thế giới sẽ tăng mạnh mẽ. Dự kiến đến năm 2020, sức tiêu thụ tăng lên 98,6 triệu tấn tại các nước đang phát triển và đạt 29,2 triệu tấn tại các nước phát triển. Trong khi nguồn cung chỉ đạt 78,6 triệu tấn. Đây được xem là cơ hội lớn cho ngành thủy sản của Việt Nam nếu đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng của thị trường thế giới.

 

Bên cạnh đó, các Hiệp định FTA thế hệ mới với thị trường châu Âu và đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Khi đó, hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ và DN sẽ được hưởng lợi rất nhiều so với mức thuế hiện tại.

 

Ngoài cơ hội trên, ở thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đang dần đi vào ổn định bởi chính quyền hai quốc gia có những thỏa thuận song phương tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nông - thủy sản xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, thị trường Hàn Quốc, ASEAN có thể sẽ tăng khá trong năm 2019 khi DN đã đáp ứng được các tiêu chuẩn từ đối tác nhập khẩu ở những nước này.

 

"Từ những triển vọng trên chúng tôi dự báo năm 2019, ngành thủy sản sẽ xuất khẩu đạt mức trên dưới 10 tỷ USD, tăng trưởng 10-15% so với năm 2018" - ông Hòe cho biết.

 

Liên quan đến những giải pháp giúp ngành thủy sản đạt giá trị cao hơn trong năm nay, lãnh đạo VASEP cho biết, ngành sẽ tập trung phát triển một số thị trường quan trọng như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong đó, với thị trường Hoa Kỳ, do đang phải chịu áp lực về chống bán phá giá, đạo luật cá da trơn… nên VASEP đã khuyến cáo DN phải chủ động trong vấn đề chất lượng, không cạnh tranh bằng giá rẻ.

 

Với mặt hàng tôm, để tăng khả năng cạnh tranh và giữ thị phần, ông Lê Văn Quang - Phó Chủ tịch VASEP - cho rằng, năm 2019 không riêng mặt hàng tôm mà các mặt hàng khác cần có bước điều chỉnh kịp thời, không thể dùng giá rẻ để cạnh tranh và phải tập trung vào vấn đề kiểm soát chất lượng để gia tăng giá trị cho sản phẩm. Riêng với mặt hàng hải sản, VASEP đang phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp để cải tổ nghề cá nhân dân thành nghề cá có trách nhiệm nhằm thuyết phục EC gỡ bỏ thẻ vàng IUU.

 

Theo Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang