Thứ Bẩy, 23/11/2024 05:29:31 GMT+7
Lượt xem: 3267

Tin đăng lúc 20-05-2016

Xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ còn nhiều dư địa

Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới từ lâu luôn là thị trường hấp dẫn đối với tất cả các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Với thị trường tiêu thụ rộng lớn và giàu có, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch trên 1,32 tỷ USD năm 2015. Trong đó, tôm, cá ngừ và cá tra là những mặt hàng được người dân Hoa Kỳ ưa chuộng.
Xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ còn nhiều dư địa

Giá trị xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thị trường này. Vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

 

Xuất khẩu cá tra nhiều thách thức

 

Cá tra là sản phẩm thủy sản đông lạnh có giá trị lớn thứ 6 tại thị trường Hoa Kỳ. Cá tra nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 92% tổng khối lượng nhập khẩu cá tra và 82% tổng giá trị NK cá tra vào thị trường này.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2015, giá trị xuất khẩu cá tra ước đạt gần 1,6 tỷ USD, giảm 10% so với năm trước đó. Nguyên nhân của tình trạng sụt giảm giá trị xuất khẩu là do thuế chống bán phá giá cao; thuế nhập khẩu thủy sản của Mỹ giảm; Cá tra Việt Nam bị cá rô phi Trung Quốc cạnh tranh thị phần gay gắt.

 

Đối với thuế chống bán phá giá, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa ra phán quyết cuối cùng mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ, với mức thuế bình quân là 0,69 USD/kg, gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. VASEP cho biết thêm Hoa Kỳ đang có ý định áp dụng “chương trình truy suất nguồn gốc” đưa ra những bất hợp lý và gây tốn kém cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã có thông báo chính thức về việc triển khai Chương trình Giám sát cá da trơn đối với cá Tra nhập khẩu vào nước này  bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3-2016.

 

Mặc dù đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh và rào cản thương mại, từ quý II năm nay, giá cá tra liên tục tăng. Đến đầu tháng 5, giá trị xuất khẩu cá tra của Viêt Nam đạt hơn 435 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm đến 22% giá trị xuất khẩu mặc dù một số đạo luật mới có hiệu lực. Giá xuất khẩu cao tạo đà cho xuất khẩu tăng trưởng về giá trị, hiện người nuôi cá tra, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tại Việt Nam đã có được niềm vui sau nhiều năm thua lỗ.

 

Cá ngừ: Mặt hàng XK nhiều tiềm năng

 

Theo VASEP, năm 2015, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Hoa Kỳ đạt hơn 190 triệu USD, tăng 8,5% so với năm 2014. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Tính đến hết quý I/2016, tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ đạt hơn 36 triệu đô la Mỹ.

 

Từ đầu năm 2016, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của 3 tỉnh trọng điểm tại Việt Nam là Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 1.445 tấn so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu các sản phẩm philê/thăn cá ngừ của Việt Nam trong tháng đầu năm nay tăng mạnh hơn 68%.

 

Các sản phẩm cá ngừ được tiêu thụ chính tại Hoa Kỳ là cá ngừ đóng hộp và philê/thăn cá ngừ của Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý giá trị xuất khẩu các sản phẩm philê/thăn cá ngừ của Việt Nam tăng gần gấp đôi. Cụ thể, giá trị xuất khẩu 2 mặt hàng này lần lượt là 3,9 triệu USD và 8,3 triệu USD, tăng 52% và 91% so với cùng kỳ năm trước.

 

Rộng cửa xuất khẩu tôm sang Mỹ

 

Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 24% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Trên thị trường Mỹ, tôm sú vỏ đông lạnh của Việt Nam ngày càng có ưu thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ khác như Indonesia hay Ấn Độ... Giá tôm của Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với mặt bằng chung sản phẩm tôm nhập khẩu từ các nước khác.

 

Mặc dù tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2015 chỉ đạt 657 triệu USD, giảm 38,3% so với năm 2014, nhưng tính đến ngày 15/4 năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ đạt gần 177 triệu USD, tăng tới 25% theo công bố của VASEP.

 

Theo VASEP, nguyên nhân của mức tăng xuất khẩu tôm ấn tượng ngay trong những tháng đầu năm là do doanh nghiệp xuất khẩu vẫn được hưởng lợi từ mức thuế chống bán phá giá của đợt rà soát lần thứ 9 - POR9 với mức thuế trung bình 0,91% (giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của POR8) và những những ảnh hưởng bước đầu từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định TPP quy định nhiều hỗ trợ về thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Đối với các mặt hàng chế biến thủy sản: xóa bỏ ngay hoặc vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (riêng cá ngừ chế biến xóa bỏ vào năm thứ 10).

 

Theo Hương Ly/vccinews.vn

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang