Kết quả rất đáng ghi nhận này là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh không ngừng nghỉ của ngành thủy sản, cả về chiều rộng và chiều sâu. Khi từ một nền nuôi trồng, chế biến quảng canh, lạc hậu, chúng ta dần vươn lên trở thành một trong những trung tâm nuôi trồng và chế biến sâu của ngành thủy sản toàn cầu và trở thành nhà cung ứng quan trọng cho thị trường thế giới. Tính đến năm 2022, ngành thủy sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thủy sản đóng góp gần 12% giá trị. Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ ba, chiếm hơn 7% thị phần toàn cầu, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
Ngay từ đầu năm, xuất khẩu thủy sản đối mặt nhiều biến động và khó khăn như hệ lụy của đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, lạm phát giá trong nước và thị trường thế giới, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ… Trong bối cảnh đó, nhờ kinh tế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam ổn định và thuận lợi, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã biến những thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022 và cán đích 10 tỷ USD.
Từ những thành quả đạt được, ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2030, kim ngạch xuất khẩu đạt 14 tỷ USD. Tất nhiên, để đạt mục tiêu này trước các thách thức ngày càng lớn của thị trường, ngành thủy sản Việt Nam cần tiếp tục kiên định lộ trình chế biến sâu, sử dụng nguồn nguyên liệu có thể truy xuất nguồn gốc, tận dụng các ưu thế từ các hiệp định thương mại mang lại và tăng cường xúc tiến thương mại linh hoạt để khai phá các thị trường tiềm năng. Nhưng quan trọng hơn, trong bối cảnh chiếc “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU) chưa được tháo gỡ thì đây vẫn tiếp tục là thách thức lớn nhất mà ngành thủy sản Việt Nam phải đối mặt; cần lập tức triển khai các biện pháp tháo gỡ dứt điểm.
Theo Nhân Dân