Xuất khẩu tăng trưởng trong những tháng đầu năm
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2021, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn rủi ro khi ngành tôm đang phát triển nóng, có thể dẫn đến lạm dụng trong sử dụng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trưởng trong nuôi trồng thủy sản. Diễn biến dịch bệnh Covid-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường…
Xuất khẩu tôm đối mặt với một số thách thức mới, nhất là sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm. Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm.
Trung Quốc một trong những thị trường nhập khẩu tôm chính đang siết các quy định về nhập khẩu hàng đông lạnh trong đó có tôm. Các quy định về kiểm soát dịch Covid-19 khiến xuất khẩu ở thị trường này giảm trên 20%.
Thị trường Hàn Quốc yêu cầu sản phẩm tôm phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt theo quy định của Hàn Quốc dài, ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị… của sản phẩm.
Theo đó, sáu tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu với 2 kịch bản
Xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2021 dự báo sẽ tăng trưởng tốt. Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu tôm cả năm 2021 đạt từ 3,8 - 4 tỷ USD. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc là những thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 106 thị trường, tăng 5 thị trường so với năm trước. Từ đầu năm, xuất khẩu tôm tăng trưởng do thị trường nhập khẩu hồi phục sau dịch bệnh, tăng trưởng lớn nhất là thị trường Mỹ, tiếp đến là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Thị trường Trung Quốc nhập khẩu tôm giảm do những điều kiện khắt khe về kiểm soát dịch.
“Nếu dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt 4,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020 và vẫn chiếm hơn 40% giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản. Kịch bản tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, xuất khẩu chỉ đạt dưới 4,1 tỷ USD và tăng trưởng 9%. Giá trị xuất khẩu và tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc vào nhiều trong kiểm soát dịch bệnh” - ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Doanh nghiệp thủy sản các tỉnh phía Nam hiện đang khó khăn trong thực hiện “3 tại chỗ” để vừa phòng chống dịch và vừa sản xuất. Các doanh nghiệp mong muốn được tiêm vaccine kịp thời để đảm bảo an toàn sản xuất, ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Năm 2021, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn; thời tiết khí hậu bất thường, tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phát sinh dịch bệnh; diễn biến dịch Covid-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức, ngành tôm nước ta đang có cơ hội các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam ký kết sẽ mở rộng cơ hội về thị trường cho sản phẩm, nhất là tôm, cá tra. Mục tiêu đầu tiên chúng ta cần cố gắng là duy trì tốt sản lượng, cung cấp nguyên liệu có chất lượng cao cho chế biến.
“Riêng con tôm, Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ nay đến năm 2025 phải đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Năm 2021, lĩnh vực thủy sản cần giải quyết các bất cập của ngành tôm hiện nay về quy mô, sản lượng và giá thành; củng cố, phát triển ngành tôm, tạo đà phát triển, chuẩn bị những bước xa hơn, bứt phá nhanh hơn trong thời kỳ tới” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói./.
Theo VOV