Được biết, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường tiêu thụ chính (EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...) tăng cao phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm làm tăng nhu cầu tôm từ các nhà cung cấp.
Tính tới tháng 11/2017, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều tăng trưởng tốt trừ Mỹ. Thị trường EU vươn lên vị trí số 1 trong khi Mỹ tụt xuống vị trí thứ 4. Trong số các thị trường nhập khẩu chính, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất 60,2%.
EU vươn lên vị trí dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 780 triệu USDtăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2016. Hà Lan là thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm Việt Nam trong khối EU. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU (Hà Lan, Anh và Đức), xuất khẩu sang Hà Lan tăng mạnh nhất 70,5% đạt 199,7 triệu USD. Tiếp đó, Anh và Đức lần lượt tăng 54,5% và 5,9%.
Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam với 60,2% đạt 637,9 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, Trung Quốc có khả năng vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ hai của tôm Việt Nam trong quý 1/2018.
Riêng thị trường Trung Quốc đang có triển vọng lạc quan. Sản lượng sản xuất tôm nội địa Trung Quốc sụt giảm do dịch bệnh và mưa lụt. Nhu cầu trong nước ngày càng tăng do tầng lớp trung lưu và lượng khách du lịch tăng khiến gia tăng nhu cầu tiêu thụ hải sản trong đó có tôm tại các nhà hàng. Bên cạnh đó, vị trí địa lý thuận lợi, thanh toán tốt, đồng NDT ổn định đã kích thích nhu cầu nhà nhập khẩu Trung Quốc. Từ 1/12/2017, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có lợi thế hơn khi Trung Quốc quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2% đối với sản phẩm tôm đông lạnh.
Vasep dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng cuối cùng của năm 2017 dự báo vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Giá trị xuất khẩu tôm cả năm ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016.
Nguồn Tri thức trẻ