Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 93,09 tỷ USD, tăng 15,8% và kim ngạch nhập khẩu đạt 89,7 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại thặng dư 3,39 tỷ USD.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) vẫn chiếm ưu thế áp đảo với đạt 66,66 tỷ USD, tăng 15%, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực kinh tế trong nước đạt 26,43 tỷ USD, tăng 17,8%. Ghi nhận đối với từng ngành hàng cũng cho thấy, những mặt hàng chủ lực vẫn có tốc độ tăng trưởng đều so với cùng kỳ năm trước.
Điển hình như điện thoại và linh kiện đạt 19,5 tỷ USD, tăng 19,8%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 10,9 tỷ USD, tăng 14,2%; hàng dệt may đạt 10,7 tỷ USD, tăng 13,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 6,4 tỷ USD, tăng 29,7%; giày dép đạt 6,1 tỷ USD, tăng 7,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,3 tỷ USD, tăng 17,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,3 tỷ USD, tăng 10%. Riêng đối với một số mặt hàng nông sản, thủy sản cũng đạt mức tăng trưởng khá. Dẫn đầu vẫn là thủy sản đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11,1%. Kế đến là mặt hàng rau quả đạt 1,7 tỷ USD, tăng 19,6%; gạo đạt 1,6 tỷ USD, tăng 51,1%; hạt điều đạt 1,4 tỷ USD, tăng 25,3%. Còn những mặt hàng cà phê, cao su có kim ngạch xuất khẩu giảm 20% - 12%. Cá biệt, mặt hàng hồ tiêu, kim ngạch xuất khẩu giảm 37% so với cùng kỳ năm 2018.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, tính đến hết 5 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Ba ngành hàng được xác định có kim ngạch xuất khẩu tăng vào thị trường này là giày dép tăng 15,8%, hàng dệt may tăng 12%, điện thoại và linh kiện tăng 8,5%. Kế đến là thị trường liên minh châu Âu đạt 16,9 tỷ USD, tăng 13,6%. Trung Quốc cũng vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch đạt 13,8 tỷ USD, tăng 30,8%. Trong đó, các mặt hàng như điện thoại và linh kiện tăng gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm trước. Sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện, rau quả có mức tăng mạnh lần lượt là 32% và 16,5%. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường ASEAN đạt 9,8 tỷ USD, tăng 14,1%. Còn thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc có mức kim ngạch tăng nhẹ, chỉ đạt 7,2 tỷ USD.
Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, bộ đang chỉ đạo các tham tán thương mại và các đơn vị chức năng liên quan, một mặt đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ quy định không cần thiết, gây cản trở hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Mặt khác, xúc tiến các cuộc gặp gỡ thường xuyên với các đoàn tham tán thương mại các nước để đẩy mạnh kết nối thị trường cho các doanh nghiệp trong nước.
Theo SGGP