Thứ Hai, 25/11/2024 12:54:45 GMT+7
Lượt xem: 864

Tin đăng lúc 24-10-2020

Xuất khẩu với đích ngắm 300 tỷ USD: Động lực từ các FTA

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, song xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng qua vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 300 triệu USD trong năm 2020, cùng với nâng cao nội lực, các DN xuất khẩu cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Xuất khẩu với đích ngắm 300 tỷ USD: Động lực từ các FTA
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Godaco (Tiền Giang).

Tăng trưởng ấn tượng

 

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Có 30 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD (cùng kỳ năm 2019 có 26 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch hơn 1 tỷ USD); trong đó, 5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD gồm các ngành hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo gồm: Điện thoại, máy vi tính, dệt may, giày dép và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác. Đáng chú ý, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%, vượt các DN đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, xuất siêu đạt kỷ lục gần 17 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2019 đạt hơn 7 tỷ USD.

 

Hoạt động xuất khẩu trong tháng 8 và tháng 9/2020 đã cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan, trong đó phải kể đến kim ngạch xuất khẩu sang EU sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019. Dù dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng sau hơn 2 tháng thực thi EVFTA, các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 20.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa với kim ngạch hơn 900 triệu USD đi 27 nước EU. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Cụ thể, giày dép có giá trị được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sau 2 tháng (tháng 8 và 9) đạt gần 391 triệu USD; thủy sản đạt hơn 183 triệu USD…

 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, cùng với chống dịch Covid-19 hiệu quả và tập trung tối đa phát triển kinh tế, việc Việt Nam ký kết và thực thi 13 FTA với nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới đã tạo xung lực để hoạt động xuất khẩu tăng trưởng. Cả thị trường và mặt hàng xuất khẩu được đa dạng hóa, đặc biệt các mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như: Nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử…

 

Tận dụng ưu đãi, nâng sức cạnh tranh

 

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, bối cảnh hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia trên thế giới giảm hoặc tăng trưởng chậm do dịch Covid-19 chính là cơ hội để hàng hóa Việt Nam vươn ra chiếm lĩnh thị trường với sức cạnh tranh cao do thực thi các điều khoản ưu đãi về thuế.

 

Chia sẻ về việc nắm bắt cơ hội từ EVFTA, Tổng Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho hay, DN đã xây dựng vùng trồng 300ha gồm: Thanh long, nhãn, xoài, bưởi, chôm chôm đạt chứng nhận GlobalGAP. Việc này giúp sản phẩm không chỉ chinh phục tốt thị trường EU mà còn nhiều thị trường khó tính khác. Ngoài trái cây, DN còn có kế hoạch xuất khẩu các loại rau thơm, ớt, cà pháo, chanh... sang EU do nhu cầu thị trường khá lớn. Vina T&T Group đặt mục tiêu năm 2020 xuất khẩu sang EU đạt hơn 7,7 triệu USD, tăng 20% so với năm 2019.

 

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu, các DN cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa để củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với đó, DN chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý, đặc biệt bảo đảm quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, DN cần có tầm nhìn lâu dài và xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu. “Các DN chú trọng tìm hiểu thị hiếu, đặc trưng thị trường, gia tăng sản phẩm trên các thị trường có lợi thế cạnh tranh; lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm, quy mô của DN” – ông Phan Văn Chinh lưu ý.

 

Nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm 2020, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, Bộ sẽ rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết FTA với Việt Nam. Cùng với đó, Bộ cũng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN tìm hiểu và tiếp cận thị trường, kết nối bạn hàng thông qua hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến.

 

Bộ Công Thương đã triển khai 24 thủ tục hành chính cấp độ 3, đồng thời áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để hỗ trợ tối đa DN xuất khẩu. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, giảm thiểu số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo; giảm số lượng hồ sơ DN phải nộp; dễ dàng tra cứu thông tin mọi lúc mọi nơi, giảm bớt thời gian chờ đợi của DN…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

 

Theo Kinhtedothi


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang