Thứ Hai, 25/11/2024 19:27:34 GMT+7
Lượt xem: 6885

Tin đăng lúc 20-05-2018

​Xuất khẩu xơ sợi năm 2018- Cơ hội bứt phá

Dù ngành sản xuất vải chưa cung ứng đủ cho ngành may trong nước, nhưng khâu sản xuất trước vải là sợi đang góp phần không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu (XK) chung của toàn ngành. Theo dự báo, XK xơ sợi của Việt Nam sẽ đạt khoảng 3,9 tỷ USD trong năm nay. 
​Xuất khẩu xơ sợi năm 2018- Cơ hội bứt phá
Dây chuyền sản xuất hiện đại của Sợi Thế Kỷ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu

Tăng cả lượng và giá trị 

 

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), quý 1/2018, XK xơ sợi của Việt Nam đạt 337 nghìn tấn, đạt kim ngạch 914 triệu USD, tăng 14,2% về lượng và 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Với tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay, VITAS dự báo XK xơ sợi của Việt Nam năm 2018 sẽ đạt khoảng 3,9 tỷ USD.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký VITAS - cho biết, những tháng đầu năm 2018, mặt hàng xơ sợi XK có sự tăng trưởng rất tốt, đặc biệt tăng mạnh ở thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ… và tăng đột biến ở thị trường Mỹ. 

 

Là một trong những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu xơ sợi hàng đầu tại Việt Nam và có sản lượng XK tăng cao trong 2 năm qua, Công ty CP Sợi Thế Kỷ (STK) 4 tháng đầu năm đã XK 19,278 tấn sợi, tăng 15.7% so với cùng kỳ năm 2017. Ông Đặng Triệu Hòa - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty STK - cho biết: Thị trường XK chính của STK là Nhật Bản (chiếm 17% doanh số), Thái Lan (15.6%), Hàn Quốc (6%), Đài Loan (5%), Pakistan (3%). Ngoài ra, XK tại chỗ (bán cho các khách hàng nội địa nhưng thu ngoại tệ) cũng đóng góp tới 9,1% doanh số. 

 

Phân tích về sự phát triển của lĩnh vực xơ sợi, ông Nguyễn Bình An - Tổng Thư ký Hiệp hội Sợi Việt Nam - nhìn nhận, trước năm 2000, quy mô sản xuất của ngành sợi chỉ đạt 1 triệu cọc, nhưng từ sau năm 2000, hoạt động sản xuất sợi bắt đầu phát triển mạnh, đạt 3,7 triệu cọc năm 2007 và hiện là 7 triệu cọc sợi. 

 

Nhiều lợi thế để gia tăng xuất khẩu 

 

Về triển vọng thị trường, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, ngành sợi sẽ còn phát triển về quy mô hơn nữa với thị trường ngày càng rộng mở nhờ lợi thế của các FTA thế hệ mới. Cụ thể là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) đều cắt giảm thuế xuất nhập khẩu sợi từ Việt Nam xuống 0%. Do đó, các DN sợi của Việt Nam đều được hưởng lợi lớn từ các ưu đãi thuế quan này. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã định hướng rất rõ trong chiến lược phát triển dệt may là mở rộng đầu tư sang Việt Nam, sản xuất sợi tại Việt Nam và xuất ngược về Hàn Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản có định hướng không phát triển dệt may trong nước nữa nên các DN Nhật có xu hướng đặt hàng sợi của Việt Nam. Ngay cả Trung Quốc cũng mua sợi Việt Nam rất nhiều trong những năm gần đây. 

 

Theo ông Đặng Triệu Hòa, triển vọng XK của STK năm 2018 khá tốt do công ty đã tạo lập được uy tín về chất lượng sản phẩm và dịch vụ với các khách hàng lớn. Ngoài ra, STK còn có khả năng mở rộng XK sản phẩm sợi làm từ nguyên liệu tái chế sang một số thị trường mới như Indonesia, Czech, Mexico… 

 

Để tận dụng lợi thế từ các thị trường trên, STK đang gia tăng XK nhằm đạt mục tiêu năm 2018, kim ngạch XK sẽ đóng góp tới 61% tổng doanh thu của công ty. Đồng thời, công ty cũng đang triển khai xây dựng nhà máy Trảng Bàng 5 nhằm tăng công suất sợi DTY thêm 3.300 tấn, nâng tổng công suất toàn công ty lên 63.300 tấn vào quý I/2019. Ngoài ra, dự án còn có thêm 1 dây chuyền tái chế sợi phế thành hạt nhựa để tái sử dụng nội bộ với công suất 1.500 tấn. Dây chuyền này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai Phó Tổng Thư ký VITAS: Về triển vọng thị trường, ngành sợi sẽ còn phát triển về quy mô hơn nữa với thị trường ngày càng rộng mở nhờ lợi thế của các FTA thế hệ mới.


Theo báo Công Thương

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang