Chủ Nhật, 24/11/2024 04:32:29 GMT+7
Lượt xem: 897

Tin đăng lúc 23-12-2022

Xuất nhập khẩu có thể đạt kỷ lục 800-840 tỉ USD trong năm 2023

Mặc dù tiếp tục vấp phải nhiều khó khăn, thách thức, nhưng xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng kinh tế trong năm 2023, mang về thặng dư thương mại đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Xuất nhập khẩu có thể đạt kỷ lục 800-840 tỉ USD trong năm 2023
Dự báo xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiếp tục "bứt tốc" trong năm 2023

Xuất nhập khẩu dự kiến đạt 800-840 tỉ USD trong năm 2023

 

Trao đổi với PV Lao Động, ThS Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam nhấn mạnh: Mặc dù lạm phát có thể khiến người dân tại một số thị trường xuất khẩu (XK) chính của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu (EU) “thắt chặt hầu bao”, nhưng nếu tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), XK hàng hóa của Việt Nam có thể tiếp tục bứt phá, đặc biệt là 35 mặt hàng có giá trị XK trên 1 tỉ USD.

 

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), hiện nay sản phẩm dệt may của Việt Nam đã XK vào 66 nước, vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch XK năm 2022 ước đạt 42 tỉ USD. Dự báo XK ngành dệt may sẽ khởi sắc hơn trong năm 2023 khi các sản phẩm dệt may được giảm thuế XK vào thị trường EU nhờ Hiệp định EVFTA, bởi theo EVFTA, một số sản phẩm may mặc (B3, B5, B7) sẽ được giảm 2-4% thuế XK từ năm 2023.

 

Căn cứ tổng kim ngạch XNK năm 2022 dự báo lạc quan, có thể đạt khoảng 780 tỉ USD sẽ tạo đà cho tăng trưởng thương mại trong năm 2023. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng kỳ vọng nhu cầu thị trường thế giới sang năm 2023 sẽ tăng trở lại sau 1 năm phải kìm nén, thắt chặt chi tiêu do lạm phát.

 

“Thương mại diện tử phát huy, các ưu đãi hiệp định được tận dụng, theo đó các DN đầu tư nước ngoài (FDI) tăng lên theo hướng XK. Cùng với đó, các chuỗi cung ứng được xây dựng và phát huy; thương hiệu hàng hoá được xây dựng… đưa giá trị hàng Việt lên cao, nâng thêm uy tín bởi tính chuyên nghiệp được coi trọng và phát huy. Với các lợi thế này, dự báo tổng kim ngạch XNK năm tới có thể kỳ vọng ở mức 800-840 tỉ USD” - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nói.

 

Là một trong những nhóm hàng mang về thặng dư thương mại lớn, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản dự báo sẽ nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2023 khi nhu cầu của các thị trường "ấm" trở lại. Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), nhấn mạnh: Nhờ mở rộng thị trường, ký hàng loạt nghị định thư nên trong năm 2022, hàng loạt sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam như: Chuối, sầu riêng, chanh dây… đã được XK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

 

Ngoài ra, trái bưởi, chanh của Việt Nam cũng được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand; trái nhãn tươi được phép XK sang Nhật Bản… Đây chính là “điểm cộng” để trái cây Việt Nam có thể lập kỷ lục về kim ngạch XK trong năm 2023.

 

Gia tăng giá trị hàng hóa khi thị trường nhiều thách thức, khó đoán định trong năm 2023

 

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Chủ tịch Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) nhìn nhận: Việt Nam có vùng nguyên liệu tốt, lớn, đa chủng loại nhưng thứ DN cần là công nghệ để chế biến sâu từ các sản phẩm tươi ra thành phẩm thì chưa có nhiều. Điều này cần phải thay đổi khi mỗi thị trường đều có các yêu cầu khác nhau.

 

“Đơn cử, cũng là trái cây nhưng thị trường EU thích sản phẩm chế biến dạng lỏng, sệt, còn thị trường Châu Á lại thích sản phẩm được sấy khô giòn hoặc dẻo. Để ra đa dạng hóa sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới, hiện tại chúng tôi đang làm mì rau với các loại rau tươi như: Chùm ngây, rau má… theo tiêu chuẩn thị trường, không chất bảo quản” - bà Nguyễn Thị Diễm Hằng chia sẻ.

 

Ông Lý Trung Kiên - Trưởng bộ phận Logistics toàn quốc - Nestlé Việt Nam cũng cho hay, để có ưu thế về chất lượng và đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính, Nestlé Việt Nam không ngừng đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu bền vững và công nghệ chế biến.

 

Trao đổi với PV Lao Động, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Mặc dù được coi là cột trụ của nền kinh tế, nhưng nông nghiệp là ngành chịu nhiều tác động rủi ro. Do đó, cần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp bằng chế biến sâu, hình thành chuỗi liên kết, đàm phán mở ra không gian thị trường… để “cầu” tăng kéo theo “cung” tăng và ngược lại.

 

Cùng với các sản xuất nông nghiệp, hàng hóa công nghiệp (CN) cũng cần được phát huy lợi thế để mở rộng thị trường. Điều quan trọng là phải xác định rõ, năm 2023 là năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025 với dự báo khó khăn, thách thức có thể khốc liệt hơn so với năm 2022, nên đòi hỏi các DN phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, biến “nguy” thành “cơ”, nỗ lực cao hơn, hành động quyết liệt hơn để đạt hiệu quả cao hơn.

 

Đặc biệt, với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, cần đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị hàng hóa, thay cho XK thô như trước đây.

 

* Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Vai trò của Bộ NNPTNT cùng với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao là phải kiến tạo ra thị trường, đồng thời hỗ trợ nông dân thông qua các tổ chức nông dân là hợp tác xã để không chỉ giải quyết vấn đề thị trường mà còn nâng cao chuỗi giá trị nông sản, chế biến tinh, đa dạng hóa sản phẩm hơn. Lúc đó giá trị thặng dư, giá trị gia tăng mới tăng cao hơn khi chúng ta bán nông sản thô. Nông dân cũng sẽ đỡ sức ép mùa vụ, đỡ sức ép thị trường. 

* TS Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: CN điện tử là ngành CN trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, cần có kế hoạch phát triển dài hạn, có sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đầu tư đối với các DN; hỗ trợ cho các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và XK.

* Ông Nguyễn Quang Hòa - CEO Dương Vũ Rice: Thị trường Trung Quốc vẫn rất tiềm năng để các DN Việt Nam khai thác trong tương lai bởi nhiều lợi thế về địa lý, văn hóa ẩm thực. Điều quan trọng là các DN phải biết tận dụng các ưu điểm vượt trội của Việt Nam so với các nước khác để tăng thị phần XK ở thị trường đông dân nhất thế giới này. Điều quan trọng là DN phải nâng cao chất lượng hàng hóa, minh bạch vùng trồng, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm... Vũ Long

 

Theo Laodong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang