Tìm thị trường tiềm năng
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) - cho biết, 10 tỉ USD là mức kỷ lục đối với riêng ngành thủy sản Việt Nam trong hơn 20 năm xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Năm 2022, ước tính ngành thủy sản đã chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
Cụ thể, ngành thủy sản Việt Nam đang đặt mục tiêu tới năm 2030 xuất khẩu đạt 14 tỉ USD. Để đạt mục tiêu này trước các thách thức của các thị trường lớn, ngành thủy sản phải xoay chuyển thực tế bằng cách đi vào chế biến sâu, sử dụng nguồn nguyên liệu có thể truy xuất nguồn gốc và tăng cường xúc tiến thương mại linh hoạt với các thị trường tiềm năng.
Dưới góc độ là doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group - cho biết, trong bối cảnh kinh doanh có nhiều thay đổi, lạm phát hiện tại của Việt Nam và thế giới nếu dự đoán được sẽ giúp doanh nghiệp có thêm những phương án thích nghi với tình hình mới. Lạm phát bước đầu đã có những ảnh hưởng đến xuất khẩu trái cây, nông sản.
Những đơn hàng của doanh nghiệp đi Mỹ, Úc và Canada đã chậm lại, nhu cầu của người tiêu dùng tại các quốc gia hạn chế nhiều, việc mở thị trường mới, phát triển thị trường nội địa vẫn là đang mục tiêu xuyên suốt và quan trọng của doanh nghiệp.
Linh hoạt thích ứng với tình hình mới
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 674 tỉ USD, trong đó cán cân thương mại đạt thặng dư lớn với con số xuất siêu 10,7 tỉ USD. Với quy mô kim ngạch và tốc độ tăng trưởng vừa qua, dự kiến vào giữa tháng 12.2022, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước sẽ vượt mốc 700 tỉ USD.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương định hướng, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tranh thủ cơ hội của từng thị trường, mặt hàng để đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, Bộ sẽ tập trung hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống, tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng, nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định tình hình trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Với những dự báo khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ kéo dài sang năm 2023, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào diễn biến xung đột quân sự giữa Nga - Ukraina, kiềm chế lạm phát, diễn biến tình hình kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn. Nhưng đây cũng chính là thời cơ để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vươn lên, tiếp tục giữ vững sự tăng tưởng xuất khẩu hàng hóa, trên cơ sở tận dụng hiệu quả các lợi thế.
Cụ thể, lộ trình cắt giảm thuế quan của các Hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP...
Ông Alex Tatsis - Trưởng phòng kinh tế (Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM) mới đây cũng nhận định, các liên kết chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ với Việt Nam không phải chỉ diễn ra một chiều. Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ trên toàn cầu và là điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng những hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Thương mại hai chiều đang giúp Việt Nam phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu sang các thị trường trên toàn thế giới.
Theo Laodong.vn