Chủ Nhật, 06/10/2024 01:34:21 GMT+7
Lượt xem: 1023

Tin đăng lúc 04-05-2023

Xuất siêu 6 tỉ USD trong 4 tháng, tăng 170% so với cùng kỳ

Cán cân thương mại hàng hóa trong 4 tháng đầu năm nay ước tính xuất siêu khoảng 6,35 tỉ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỉ USD.
Xuất siêu 6 tỉ USD trong 4 tháng, tăng 170% so với cùng kỳ
Việt Nam xuất siêu hơn 6 tỉ USD trong 4 tháng.

Theo dữ liệu mới nhất được Tổng cục Thống kê công bố, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước chỉ đạt 53,57 tỉ USD. Nếu tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 210 tỉ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

 

Lý giải sự sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu này, báo cáo của Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân đến từ các yếu tố bên trong và bên ngoài.

 

Từ các yếu tố bên ngoài, bao gồm giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng. Trong khi kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu, mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.

 

Nguyên nhân từ các yếu tố bên trong, bao gồm sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm. Thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất.

 

Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như ôtô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép…

 

Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.

 

Dù tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm giảm, nhưng cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4 ước tính thặng dư 1,51 tỉ USD.

 

Qua đó, nâng mức xuất siêu trong 4 tháng đầu năm nay lên khoảng 6,35 tỉ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 2,35 tỉ USD.

 

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,4 tỉ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,3 tỉ USD.

 

4 tháng đầu năm có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD, chiếm 57,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

 

Theo đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục nắm chủ lực với 88,5% trong tổng cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 4 tháng qua.

 

Trong 4 tháng qua, Việt Nam xuất siêu sang EU 9,3 tỉ USD, xuất siêu sang Nhật Bản 367 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 589 triệu USD).

 

Ở chiều ngược lại, nước ta nhập siêu từ Trung Quốc 16,8 tỉ USD, giảm 18,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 8,9 tỉ USD, giảm 36,9% và nhập siêu từ ASEAN 2,3  USD, giảm 53%.

 

Theo Bộ Công Thương, trong số các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc đang giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.

 

"Trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn là thị trường còn nhiều điểm sáng, nhiều dư địa, dự báo với nhiều kỳ vọng cho các đơn hàng xuất khẩu trong những quý tiếp theo", cơ quan này nhấn mạnh.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang