Cũng trong năm 2022, Bình Định đã tạo đột phá trong xúc tiến đầu tư vào địa phương với các cuộc gặp gỡ Hàn Quốc và tổ chức hội thảo các doanh nghiệp Hà Lan tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Bình Định.
Quy mô lớn, ưu đãi đặc thù
Hội nghị diễn ra chỉ 1 tuần sau chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Việt Nam với 100 doanh nghiệp Đức tham gia cả trực tiếp và trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp tham gia từ các đầu cầu Trung Quốc, Thái Lan, Singapore. Đây là sự kiện đánh dấu sự hợp tác hiệu quả giữa UBND tỉnh Bình Định và Phòng Công nghiệp & Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK).
Đức hiện là đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, nên quy mô Hội nghị lần này có sự khác biệt với sự tham dự của của các ông: Nguyễn Minh Vũ - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức; Nguyễn Như Hiếu - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Nguyễn Quang Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Quang cảnh Hội nghị
Về phía CHLB Đức, có các ông gồm: Simon Kreye - Phó Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, tham dự trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội; Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức; Daniel Marek - Giám đốc Khu vực ASEAN của Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á - Thái Bình Dương; Peter Buerstedde - Giám đốc Cục Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Đức tại Việt Nam.
Trực tiếp tham dự Hội nghị còn có đại diện một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước Việt Nam; Các tập đoàn, doanh nghiệp Đức; Tổng Công ty Becamex IDC; Trường Đại học Quy Nhơn và các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Định.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày về tiềm năng, lợi thế và các chính sách ưu đãi mới như: Bình Định là một trong 5 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. So với các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bình Định có lợi thế vượt trội, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh với cảng hàng không Phù Cát, cảng biển Quy Nhơn, đường sắt, đường bộ, hệ thống đường cao tốc Bắc –Nam và có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển KT- XH, nhất là kinh tế biển.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định đến với Bình Định, nhà đầu tư Đức sẽ được tạo mọi thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững
Chủ tịch tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết: Khi đầu tư vào Bình Định nói chung và Khu kinh tế Nhơn Hội nói riêng, đặc biệt là KCN Becamex VSIP Bình Định, nhà đầu tư sẽ được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất của Chính phủ Việt Nam và ưu đãi bổ sung của tỉnh Bình Định. Cụ thể: các doanh nghiệp Đức được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động kinh doanh; Miễn 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. So sánh với mức thuế thu nhập bình thường là 20%, nhà đầu tư sẽ được miễn thuế nhập khẩu 5 năm đầu sản xuất đối với nguyên liệu, bán thành phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được.
Đặc biệt, ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, phát triển xanh mà nhiều doanh nghiệp Đức quan tâm, Bình Định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư khảo sát nghiên cứu. Hiện nay, tỉnh đang bổ sung vào quy hạch 18 dự án điện mặt trời (1.169 MWp) và 11 dự án điện gió (6.174,5 MW). Dự án điện gió ngoài khơi của PNE đang triển khai công suất 2000 MW sẽ là đóng góp ý nghĩa cho sản lượng điện của khu vực.
Bình Định đang đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH để sẵn sàng đón các nhà đầu tư, nhất là hạ tầng khu kinh tế, KCN với tổng diện tích 15.300 ha và hạ tầng cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.940 ha.
Những “quả trứng” đầu tiên của đại bàng
Những năm qua, mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa tỉnh Bình Định và cộng đồng DN của Đức ngày càng phát triển mở rộng thực chất. Đến nay, toàn tỉnh có 04 dự án của các nhà đầu tư Đức với tổng vốn đăng ký đầu tư là 55,09 triệu USD, chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp hiện đang hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt là dự án Nhà máy sản xuất màng mỏng của Công ty TNHH Kurz Việt Nam tại Bình Định có vốn đầu tư 40 triệu USD đang kỳ vọng là dự án tiêu biểu cho sản xuất công nghệ cao, góp phần thu hút các dự án khác tương tự đầu tư vào Bình Định.
Ông Marko Walde - Trưởng đại diện AHK Việt Nam đánh giá cao Việt Nam đang có điều kiện cần, để các nhà đầu tư Đức tiến ra thị trường Bắc Mỹ và châu Âu
Dư địa hợp tác giữa Bình Định và CHLB Đức vẫn còn là tiềm năng lớn. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm 2022 của Bình Định đạt hơn 1.263,6 triệu USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ. Các mặt hàng được xuất khẩu của Bình Định đến 116 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục. Trong đó, xuất khẩu sang châu Âu đạt 273,3 triệu USD, chiếm 21,6% và xuất khẩu sang Đức đạt 71 triệu USD, chiếm 5,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Đức, gồm: Thủy hải sản, dăm gỗ, ván ép, gỗ tinh chế nội ngoại thất, sản phẩm may mặc, giày dép, quặng, khoáng sản, sản phẩm từ chất dẻo. Trong số các mặt hàng chủ lực của tỉnh Bình Định sang thị trường Đức thì sản phẩm gỗ tinh chế là mặt hàng có thế mạnh, với kim ngạch xuất khẩu cao nhất đạt 37,5 triệu USD, tăng 99,3% so với cùng kỳ; Tiếp đến, sản phẩm từ chất dẻo là mặt hàng có thế mạnh của các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh Bình Định.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (thứ 3, từ trái sang) và nhà đầu tư Đức tại hội nghị
Vươn tầm khu vực - nhìn ra thế giới
Trong chiến lược phát triển, Bình Định đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung; Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh, dựa trên 5 trụ cột tăng trưởng gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa; Phát triển tất cả lĩnh vực với nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu; Trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; Trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; Trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại. Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước; Là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam.
Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Định và AHK Việt Nam đã được ký kết tại Hội nghị cùng với bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Định và Công ty PNE AG (CHLB Đức) để có cơ sở thuận lợi trong công tác phối hợp khảo sát, nghiên cứu, đầu tư và phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh trong thời gian đến theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định chào đón đối tác đến từ CHLB Đức và DN của Đức
Trong xúc tiến đầu tư, khái niệm “trải thảm đỏ” mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các dòng vốn FDI vào Bình Định từ nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022, Bình Định đã thu hút được trên 33.000 tỷ đồng lấp đầy các KCN, CCN trên địa bàn. Không dừng lại ở đó, Bình Định đang tăng tốc xúc tiến đầu tư giai đoạn mới với 3 thành tố quan trọng được hoàn thiện như: Cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi và nguồn nhân lực chất lượng cao. Có thể nói, Bình Định đang chứng tỏ cho các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Đức nói riêng thấy rằng “Đất lành Bình Định” đã mở và các tổ đã được lót chu đáo đón đàn chim đại bàng về sinh sôi nảy nở, tạo làn sóng đầu tư mới để miền “Trời văn đất võ” đi vào hội nhập.
Văn Thuận