14,4% so với cùng kỳ năm 2017. Thành tích XK và sự phát triển ổn định của thị trường trong nước có một phần đóng góp quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) mà nòng cốt là Chương trình XTTM quốc gia.
Gian hàng lép vế
Tại hội nghị "Nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình XTTM quốc gia năm 2018" ngày 27/12, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương), cho biết kinh phí thực hiện Chương trình XTTM quốc gia năm 2018 là 110 tỷ đồng, trong đó 103 tỷ dành cho XTTM quốc gia nói chung và 7 tỷ đồng dành cho XTTM gạo.
Về kết quả thực hiện, các đề án XTTM quốc gia được triển khai từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ khoảng 5.000 lượt doanh nghiệp (DN) tham gia hưởng lợi, tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện XTTM XK đạt 9,3 tỷ USD và 106,82 tỷ đồng. Doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt hơn 141,82 tỷ đồng. Thu hút gần 1.475.600 lượt khách tham quan, trong đó có 100.000 lượt khách giao dịch thương mại.
Bên cạnh đó, ông Phú cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại, hạn chế trong công tác XTTM. Trong một số trường hợp, việc tổ chức các phiên chợ còn chưa đạt yêu cầu đề ra: hàng hóa chưa phong phú, đa dạng; còn có hiện tượng hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trà trộn vào hội chợ, phiên chợ Việt.
DN tham gia các phiên chợ phần lớn là các DN thương mại nên mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc bán hàng, chưa chú trọng giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu thăm dò nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Đặc biệt, do hạn chế về nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cũng như nguồn lực của DN, khu gian hàng Việt Nam thường chỉ có quy mô khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc… Đầu tư cho hoạt động quảng bá, trình diễn sản phẩm của các gian hàng cũng hạn chế đã ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút khách tham quan, giao dịch.
Chia sẻ về bất cập trong tổ chức tham gia các hội chợ quốc tế, ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết khó khăn mà các DN xuất khẩu trái cây, rau quả gặp phải là Bộ Công Thương ban hành quyết định về Chương trình XTTM quốc gia hàng năm hơi chậm, trong khi đăng ký tham gia hội chợ, triển lãm nước ngoài đòi hỏi đăng ký sớm. Nếu đăng ký trễ, DN sẽ bị thiếu nhiều thứ, nhất là diện tích mặt bằng, vị trí không thuận lợi.
Đặc biệt, hiện nay, 75% rau quả Việt Nam chủ yếu tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Trung Quốc, vì vậy Hiệp hội Rau quả kiến nghị Cục XTMT xem xét hỗ trợ DN Việt Nam tham gia nhiều hội chợ lớn ở Trung Quốc để quảng bá sản phẩm.
Hơn nữa, về phía DN, bế tắc đầu ra vẫn là mối lo. Đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết ngành mắc ca có giá trị cao, vấn đề đầu ra tưởng chừng dễ dàng nhưng thực tế DN rất khó khăn. Vì vậy, kiến nghị Cục XTTM phối hợp với Hiệp hội đẩy mạnh truyền thông quảng bá quả mắc ca Việt Nam ở thị trường Úc, châu Âu, Hàn Quốc…
Cùng với đó, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho hay trong Chương trình XTTM quốc gia, việc duy trì hỗ trợ cho DN tham gia các hội chợ quốc tế truyền thống là rất quan trọng. Đây không những là kênh bán hàng mà còn là kênh giao thương, XTTM truyền thống rất hiệu quả. Tuy nhiên, theo bà Lan, sắp tới, Hội chợ triển lãm quốc tế thủy sản Boston (Mỹ) là trong một trong 4 hội chợ truyền thống lớn nhất của ngành thủy sản có khả năng không được phê duyệt trong Chương trình XTTM quốc gia, vì hội chợ này đã được hỗ trợ một thời gian dài.
"Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương này. Tuy nhiên, 4 thị trường trọng tâm của ngành thủy sản là Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Trung Đông. Hỗ trợ cho các ngành hàng trọng tâm vào các thị trường chủ lực là lâu dài, nếu gián đoạn sẽ gây khó khăn cho DN. DN có khả năng chi trả để tham gia hội chợ đó nhưng sự hỗ trợ từ Chính phủ là động viên DN để phát triển thương hiệu riêng", bà Lan chia sẻ.
Bên cạnh hội chợ, bà Lan cho rằng Cục XTTM cần phải đẩy mạnh chương trình quảng bá thương hiệu Việt Nam và công tác truyền thông trên thị trường quốc tế. Hai năm gần đây, ngành thủy sản bị điêu đứng tại châu Âu do tác động của truyền thông bôi xấu. Vasep phải mời những chuyên gia châu Âu làm chương trình truyền thông tại Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan về thủy sản Việt Nam…
Đồng thời, về chương trình quảng bá thương hiệu hiện nay hầu như không có. Để xây dựng thương hiệu, Vasep cần có sự đồng hành của Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, đánh giá XTTM có vai trò cực kỳ quan trọng với ngành công nghiệp thời trang, trong đó có ngành da giày – túi xách. Hiện nay, cạnh tranh trong ngành rất khốc liệt, châu Á chiếm 87% tổng sản lượng của thế giới nhưng tham gia cùng với Việt Nam còn có nhiều quốc gia lớn như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia…
Bởi vậy, bà Xuân cho rằng phương thức XTTM của Việt Nam cần phải tạo được sự khác biệt. Nếu Việt Nam chỉ tham gia hội chợ, triển lãm, các quốc gia này chắc chắn cũng sẽ hiện diện ở đó.
Đồng thời, cách thức tổ chức các hội nghị, hội chợ trên thế giới cũng đang thay đổi. Trước đây chỉ tập trung vào một ngành, nay trong một hội chợ có thể quảng bá cho nhiều ngành hàng.
Hoặc ở thời đại công nghiệp 4.0, nhiều khi khách hàng không cần phải đi hội chợ, triển lãm, mà chỉ cần ở nhà click chuột đã có thể đặt hàng. Điều này cho thấy cách tổ chức cho DN tham gia hội chợ, triển lãm cần phải có cách làm khác biệt, sáng tạo.
Trong ngành da giày – túi xách, số lượng DN FDI chỉ chiếm 30% tổng số DN nhưng chiếm gần 79% tổng kim ngạch XK. Vì vậy, hoạt động XTTM cần thiết phải hỗ trợ nhiều hơn cho những DN nhỏ và vừa của Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng.
Đồng thời, với các DN làm hàng gia công và DN đã xây dựng thương hiệu khi tham gia cùng hội chợ cần phải bố trí gian hàng ở hai khu khác nhau, giúp DN có thể tiếp cận đúng khách hàng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng đổi mới các phương thức XTTM là cần thiết, nhưng không nên đổi mới hoàn toàn. Hiện nay, phương thức hiệu quả nhất vẫn là tổ chức hội chợ, triển lãm, đoàn giao thương.
Trước mắt cần làm những gì đang làm nhưng làm tốt và hiệu quả hơn. Đồng thời, gốc của thương mại là sản xuất, nếu sản phẩm làm không tốt thì "ông bán hàng có làm giời" cũng không bán được".
Nguồn Thời báo Kinh doanh