Tại Việt Nam, theo Sách trắng Thương mại điện tử năm 2021, tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020.
Sự gia tăng các giao dịch qua thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh, không những đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của bản thân và gia đình, đồng thời đảm bảo yếu tố an toàn, tiện lợi, nhanh chóng mà còn tạm thời xoa dịu tâm trạng trong bối cảnh nguy hiểm của đại dịch, tạo cảm giác “kết nối” khi phải thực hiện giãn cách/phong tỏa trong thời gian dài.
Có thể thấy, bên cạnh lợi ích về việc đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, mua sắm qua mạng trong đại dịch còn có nhiều lợi ích về mặt tâm lý cho người tiêu dùng. Một số người tiêu dùng còn cho rằng, mua sắm qua mạng khi phải giãn cách quá lâu giống như cảm giác chờ đợi/hy vọng những món quà.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt lợi, sự gia tăng mua hàng qua mạng trong thời kỳ dịch bệnh cũng có nguy cơ mang lại những tác động tiêu cực cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng để có thể thực hiện các giao dịch thương mại điện tử một cách tốt nhất là rất cần thiết đối với mỗi người tiêu dùng. Trong quá trình này, người tiêu dùng có thể tham khảo 10 sai lầm sau để tránh lãng phí thời gian cũng như tiền bạc của chính mình.
1. Bỏ qua các phần thưởng và chính sách hoàn tiền
Khi mua sắm trực tuyến, bạn có thể nhận được phần thưởng hoặc hoàn lại tiền bằng cách mua hàng qua ứng dụng, thanh toán bằng thẻ tín dụng hoàn tiền, tận dụng các chương trình ưu đãi của nhà bán lẻ…
Bỏ qua phần thưởng đáng lẽ bạn sẽ được nhận khi hàng cũng có thể coi là một sự lãng phí.
Tuy nhiên để tận dụng một cách khôn ngoan điều này, bạn đừng bao giờ có tâm lý mua hàng vì phần thưởng, cố mua nhiều để được hoàn tiền nhiều. Hãy đặt nhu cầu mua sắm của bản thân lên đầu tiên, chỉ mua những thứ mình cần thì việc tận dụng chính sách hoàn tiền mới không gây ra tác dụng ngược.
2. Quá quan tâm đến mức chiết khấu
Bạn đừng bao giờ bị thu hút bởi dấu gạch chéo lớn màu đỏ thông báo mức giá ban đầu của sản phẩm. Nhiều khi nó chỉ là một động thái giả đến từ các nhà bán hàng, để bạn lầm tưởng rằng sản phẩm đã được chiết khấu rất lớn.
Nhiều trang web có thể chào bán hàng giảm giá tới 50% nhưng lắm khi con số trong dấu gạch chéo đỏ không phải là giá gốc thực sự của sản phẩm.
Do vậy khi mua hàng online, bạn không nên quá coi trọng mức chiết khấu hay giá niêm yết ban đầu đã bị gạch chéo đỏ. Bạn hãy nhìn vào số tiền cuối cùng mà mình phải trả, xem nó đã phù hợp với chất lượng sản phẩm hay chưa. Và bạn cũng đừng quên so sánh giá ở các trang web bán hàng khác nhau, tìm ra chi phí thấp nhất để tiết kiệm tiền.
3. Không tìm hiểu kỹ chính sách hoàn trả hàng
Hãy chắc chắn rằng trang web bạn đang mua sắm sở hữu chính sách hoàn trả hàng rõ ràng, có lợi với người tiêu dùng. Bạn sẽ lãng phí khoản tiền lớn nếu mua về món đồ không đúng với yêu cầu hoặc bị vỡ hỏng mà chẳng trả lại được.
Trước khi mua hàng, bạn nên làm rõ câu trả lời cho những vấn đề này:
- Trang web chấp nhận trả lại hàng trong những điều kiện nào?
- Bạn có thời hạn bao lâu để trả lại một món hàng?
- Bạn hay trang web sẽ trả phí vận chuyển khi hoàn hàng? Đơn vị bán hàng sẽ cử người tới tận nhà bạn lấy đồ hay chính bạn phải tự mang đi gửi?
4. Mua hàng dựa vào đánh giá
Các bài đánh giá dưới mỗi sản phẩm bán trực tuyến có thể là một cơ sở cho những khách hàng sau. Tuy nhiên bạn có cắn vào một chiếc bánh sandwich mà người lạ ngẫu nhiên trên phố đưa cho mình không? Nếu không thì bạn cũng đừng nên tiêu tiền chỉ dựa vào ý kiến của những người không quen biết.
Các đánh giá sản phẩm ấy hoàn toàn có thể bị thao túng, nhiều người được thuê để làm những điều đó. Bạn hãy tìm kiếm sự đánh giá từ bạn bè, người quen xung quanh mình và mua hàng tại các địa chỉ uy tín.
5. Tiêu tiền cho vận chuyển nhanh
Nếu bạn không thật sự cần món đồ đó ngay thì tiêu tiền cho vận chuyển nhanh chính là sự lãng phí. Hãy kiên nhẫn chờ đợi thêm vài ngày, đó là cách vô cùng đơn giản giúp bạn tiết kiệm tiền.
Khi tần suất mua sắm online dày đặc trong thời điểm bạn phải ở nhà nhiều, nếu thường xuyên trả tiền cho vận chuyển nhanh, đó sẽ là một con số đáng giật mình khi bạn tổng kết chi tiêu vào mỗi cuối tháng!
6. Không tận dụng phiếu giảm giá
Thường thì người tiêu dùng chỉ đến ý đến các khuyến mãi trực tiếp trên giá sản phẩm. Chúng ta thường có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm với tiêu đề như “Tiết kiệm 25%” thay vì sử dụng các phiếu giảm giá (coupon) sẵn có.
Ví dụ như một sản phẩm A, giá bán lẻ là 100.000đ, những bằng chọn ô coupon, bạn có thể tiết kiệm được 5% (tương đương 5.000đ). Thông thường sẽ có nhiều hơn 1 phiếu giảm giá cho mỗi sản phẩm, vì vậy, đừng quên xem xét phiếu giảm giá nào sẽ phù hợp với bạn.
7. Không căn thời gian mua hàng
Nếu bạn không ngại phải mua những sản phẩm được sản xuất từ năm ngoái, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn – đặc biệt là các mặt hàng theo mùa.
Có 3 sự kiện thời gian chính người tiêu dùng cần chú ý:
- Giá giảm do cạnh tranh khi các sự kiện theo mùa bắt đầu (ví dụ như ngày Valentine, Quốc tế phụ nữ…)
- Giá giảm do cần bán tháo vào cuối các sự kiện theo mùa (ví dụ như cuối hè, hoặc cuối đông đối với các sản phẩm thời trang…)
- Giá giảm do sản phẩm mới ra mắt (ví dụ, các mẫu TV OLED cao cấp sản xuất năm 2020 sẽ giảm khoảng 35.000.000đ vì các mẫu 2021 đã được tung ra trên thị trường…).
Các trang kiểm tra giá sản phẩm như CamelCamelCamel.com sẽ cho bạn biết khi nào giá của một số sản phẩm có xu hướng thấp hoặc cao hơn cũng rất đáng để thử.
8. Không lựa chọn đúng nhà bán hàng đáng tin cậy
Nhiều bạn chỉ lướt web đọc báo hay facebook sau đó nhìn thấy hình ảnh sản phẩm bắt mắt, phù hợp với nhu cầu nên nhanh chóng click vào đặt hàng mà quên mất việc tìm hiểu xem mình đang mua hàng của trang web nào hay cửa hàng online nào và độ uy tín của họ ra sao.
Hiện nay bên cạnh những trang web bán hàng uy tín có danh tiếng như Tiki, Lazada, Adayroi,… thì có không ít những trang web bán hàng tràn lan không tên tuổi. Những trang web này sẽ không có các chính sách đổi trả cũng như các chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Những website uy tín họ sẽ không vì một chút lợi ích nhỏ mà đánh mất cả thương hiệu lớn mà họ mất rất nhiều tiền và thời gian để xây dựng.
Vậy nên để tránh vấp sai lầm kinh điển nhất trong số 3 sai lầm thường gặp khi mua hàng online bạn phải đảm bảo: Đừng chỉ xem thông tin về món hàng mình mua, hãy xem thông tin về trang web nơi mình mua hàng và các quyền lợi khách hàng, chính sách bảo vệ khách hàng kèm theo.
9. Không kiểm tra hàng trong và sau khi thanh toán, nhận hàng
Đối với những bạn lần đầu tiên mua hàng online bạn nên lựa chọn hình thức thanh toán khi nhận hàng COD, với hình thức này bạn sẽ được kiểm tra hàng trước khi thanh toán.
Một số website yêu cầu khách xem hàng trước khi thanh toán, nếu sau khi nhân viên giao hàng rời khỏi mà bạn mới thấy món hàng của mình bị giao sai hay bể vỡ thì bạn sẽ nhận được câu trả lời từ nhân viên CSKH: “Anh chị có xem hàng trước khi thanh toán chưa ạ? Bên em không hỗ trợ đổi trả trong trường hợp này mong anh chị thông cảm,…”. Còn đối với Lazada hay Adayroi…thì nhân viên giao hàng của họ sẽ yêu cầu bạn kiểm tra hàng trước khi nhận hàng, nếu có việc bận không xem được ngay thì bạn có thể kiểm tra sau, nhưng bạn nên chụp hình hoặc quay phim lại để làm bằng chứng, nhất là hàng giá trị cao.
Còn đối với những trường hợp chính sách của nhà bán hàng là không được hỗ trợ xem hàng trước khi khi nhận hàng, thì bạn hãy kiểm tra lại sản phẩm ngay sau đó, nếu không như mong đợi, hãy liên hệ ngay với người bán để được tư vấn đổi trả hàng. Bạn chỉ nên mua hàng ở các nhà bán hàng này khi có chính sách đổi trả rõ ràng bạn nên quay video lại khi mở hộp.
10. Không so sánh giữa những người bán hàng
Bằng cách so sánh các sản phẩm tương tự, người tiêu dùng có thể tìm ra được một lựa chọn mang lại giá trị tốt hơn cho đồng tiền của mình.
Bạn đang cần tìm một sản phẩm cao cấp có giá cao hơn mức bạn muốn chi tiêu, nhưng may mắn thay nó đang được giảm giá xuống mức bạn có thể chi trả. Trong trường hợp này, bạn có thể không tiết kiệm được tiền, nhưng có thể mua được một sản phẩm tốt hơn với cùng một mức giá.
Theo Vietq.vn