Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:42:47 GMT+7
Lượt xem: 1518

Tin đăng lúc 14-01-2018

12 Bộ rốt ráo thực hiện mục tiêu hạ tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành

Nghị quyết 19 đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN) tại giai đoạn thông quan từ 30- 35% xuống còn 15%.
12 Bộ rốt ráo thực hiện mục tiêu hạ tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Thế nhưng, số lượng lô hàng phải KTCN cho đến hiện nay vẫn ở mức khoảng 33%. Nghịch lí ở chỗ số lượng các lô hàng phải KTCN rất lớn nhưng số lượng phát hiện sai phạm chưa được 0,14%.

 

Đây là một trong những vấn đề tồn tại của công tác KTCN hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ra tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại diễn ra mới đây.

 

12 bộ có trách nhiệm cùng vào cuộc

 

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một số lĩnh vực quan trọng bỏ sót, ngược lại một số việc bộ nào cũng “nhúng tay” vào, chồng chéo. Có những mặt hàng đến 3 bộ kiểm tra, vừa kiểm tra động vật, vừa kiểm tra thực vật.

 

“Các bộ chỉ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn thôi, việc kiểm tra để các thành phần kinh tế làm, hoặc dựa trên hình thức hợp tác công-tư, cứ muốn níu giữ quyền lực và lợi ích của các bộ là thế nào? Mục tiêu Nghị quyết 01 của Chính phủ đã nêu rõ phải cắt giảm 50% số mặt hàng phải KTCN trong năm 2018. Tổng cục Hải quan phải phân định rõ chỉ tiêu này ra, xem bộ nào làm gì. Cần công bố để DN biết, không thể để mờ mờ, ảo ảo”- Phó Thủ tướng chỉ đạo.

 

Từ thực tế đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu 12 bộ có trách nhiệm liên quan trong vấn đề KTCN gồm: Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, văn hoá Thể thao và Du lịch thực hiện đầy đủ và kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý chuyên ngành theo yêu cầu của Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 29/6/2017 và các Nghị quyết 19 của Chính phủ. Rà soát cụ thể trong phạm vi bộ, ngành để hoàn thành giảm tỷ lệ hàng hóa phải KTCN trong giai đoạn thông quan từ 30-35% xuống còn 15%; Rà soát, loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng thuộc danh mục phải KTCN do bộ, ngành mình quản lý chậm nhất quý II/2018.

 

Phó Thủ tướng chỉ rõ: Việc cắt giảm không có nghĩa là cắt giảm đồng loạt mà phải xác định mặt hàng nào cần thiết và thuộc bộ ngành nào.

 

"Tinh thần là không chỉ tháo gỡ khó khăn mà tạo thuận lợi thương mại, chứ không thể có bế quan tỏa cảng, sách nhiễu" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải khẩn trương và quyết liệt rà soát ngay danh mục văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi theo yêu cầu tại quyết định Quyết định số 2026/2015/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ và các Nghị quyết 19 hàng năm của Chính phủ để tiến hành sửa đổi, bổ sung theo đúng tiến độ và thời hạn Chính phủ yêu cầu.

 

9 giải pháp cải cách toàn diện

 

Để tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các bộ cần thực hiện 9 giải pháp cụ thể:

 

Thứ nhất, rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

 

Thứ hai, bỏ quy định chứng nhận hợp quy theo từng lô hàng NK và theo người NK.

 

Thứ ba, thu hẹp danh mục phải kiểm tra chuyên ngành ngay tại khâu thông quan (trừ các loại hàng hoá có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm, kiểm dịch, an ninh quốc gia).

 

Thứ tư, áp dụng thông lệ quốc tế, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển mạnh sang hậu kiểm, hướng tới kiểm tra tại nguồn, công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra chuyên ngành, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành.

 

Thứ năm, đối với hàng hoá XNK thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành, khi ban hành danh mục phải kèm theo mã HS phù hợp với Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam; phải công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc phương pháp kiểm tra. Danh mục nào không có quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc phương pháp kiểm tra thì phải bãi bỏ.

 

Thứ sáu, tách bạch cơ quan soạn thảo, ban hành các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành với đơn vị thực hiện các quy định liên quan.

 

Thứ bảy, thống nhất một đơn vị thực hiện kiểm tra chuyên ngành, chấm dứt tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan khác nhau.

 

Thứ tám, tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch để nhiều tổ chức được tham gia thực hiện hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận; xóa bỏ vị thế độc quyền của một số tổ chức được các bộ quản lý chuyên ngành chỉ định như hiện nay.

 

Thứ chín, điện tử hoá thủ tục (nộp hồ sơ, trả kết quả…) kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

 

Từ đầu năm 2017, Bộ KH&CN đã có những nỗ lực để đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá xuất nhập khẩu. Lĩnh vực này từng được đánh giá là rừng thủ tục gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ KH&CN đã ban hành thông tư số 02/2017 về công bố hợp chuẩn, hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, thông tư số 07/2017 chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hoá do Bộ quản lý sang hậu kiểm.

Điều này góp phần làm giảm 96% lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan. Trước đây có 24 nhóm hàng hoá phải kiểm tra trước thông quan. Hiện tại chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hoá lỏng. Nhờ đó, mỗi năm sẽ có khoảng 30.000 lô hàng không cần phải kiểm tra trước khi thông quan, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

 

Nguồn VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang