Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 2 đã thu về hơn 1,17 tỷ USD, giảm 40,3% so với tháng 1. Lũy kế 2 tháng đầu năm, giày dép các loại đã thu về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ.
Hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu mặt hàng giày dép, với sản lượng chỉ đứng sau thị trường Trung Quốc. Ước tính, lượng xuất khẩu giày dép của Việt Nam chiếm 10% của thế giới.
Về thị trường, giày dép Việt hiện đã xuất khẩu tới 150 thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh… Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tại top 3 thị trường khách hàng lớn nhất gồm Mỹ, Trung Quốc, Bỉ đều ghi nhận tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ.
Cụ thể, xuất khẩu giày dép sang thị trường Hoa Kỳ trong 2 tháng đầu năm đạt kim ngạch 1,1 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời chiếm tỷ trọng 35%.
Dù đang là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất thế giới, nhưng trong 2 tháng Trung Quốc vẫn tăng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam đạt 318 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Bỉ là thị trường lớn thứ 3 của giày dép Việt với hơn 191 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất khẩu giày dép đang phục hồi tích cực, kim ngạch tăng trưởng tốt trong cả tháng 1 và tháng 2/2024 sau mức giảm 15,3% vào năm 2023. Đáng chú ý, trong tháng 1 xuất khẩu mặt hàng này đã tăng trưởng tới 35% so với cùng kỳ, thu về 1,85 tỷ USD. Hiện giày dép là một trong 11 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 2 tháng đầu 2024.
Xuất khẩu giày dép của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 10 – 12%/năm trong giai đoạn 2022 – 2026. Theo “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”, Việt Nam phấn đấu kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đến năm 2025 đạt 27 – 28 tỷ USD và đạt 38 – 39 tỷ USD vào năm 2030.
Nước ta hiện được đánh giá là thị trường uy tín trong sản xuất các dòng sản phẩm da giày, đặc biệt là giày thể thao theo các nhãn hàng lớn. Do đó, trong thời gian tới, ngành không định hướng sản xuất sản phẩm có giá trị thấp bởi lợi nhuận thấp, lãng phí nguồn lực mà tiếp tục tập trung vào phân khúc sản phẩm trung và cao cấp.
Để nắm bắt cơ hội và đẩy mạnh phát triển, các doanh nghiệp đang nỗ lực nâng cấp hoạt động sản xuất, sản phẩm đáp ứng một số tiêu chuẩn về xanh hóa, phát triển bền vững như chính sách về sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng… đang là yêu cầu, xu thế chung của nhiều thị trường trên thế giới.
Theo VNbusiness