Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:11:03 GMT+7
Lượt xem: 1287

Tin đăng lúc 11-02-2022

3 giải pháp trợ lực doanh nghiệp ổn định sản xuất

Bức tranh doanh nghiệp những ngày đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước nhờ vào những chính sách và triển vọng kinh tế được dự báo tích cực, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, cần được “trợ sức” để ổn định sản xuất.
3 giải pháp trợ lực doanh nghiệp ổn định sản xuất
Có 5.556 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong tháng 1/2022

Doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh

 

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong tháng 1/2022 là 13.004 DN, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Số vốn của các DN đăng ký thành lập mới trong tháng cũng đạt 192.365 tỷ đồng, tăng 24,0%.

 

Với kết quả trên, tháng 1/2022 cũng là tháng đầu tiên của năm có số DN thành lập mới cao nhất từ trước đến nay, trong khi đó, số vốn đăng ký của DN thành lập mới trong tháng 1/2022 chỉ thấp hơn so với tháng 1/2020, thời điểm mà dịch Covid-19 chưa tác động đến Việt Nam. Diễn biến trên cho thấy, DN đã có tín hiệu phục hồi rõ nét hơn sau một thời gian thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

 

Trong tháng 1/2022, cả nước cũng ghi nhận có 5.556 DN đang hoạt động đăng ký tăng vốn, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm 2021. Số vốn đăng ký tăng thêm của DN đang hoạt động là 343.776 tỷ đồng, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả vốn đăng ký của DN thành lập mới và vốn bổ sung của các DN đã hoạt động, tổng số vốn đăng ký của DN vào nền kinh tế trong tháng đầu tiên của năm đạt 536.141 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Số DN quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2022 là 19.121 DN, tăng 194,0% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây cũng là số lượng DN tái gia nhập thị trường trong tháng 1 cao nhất từ trước đến nay.

 

Thông tin về những yếu tố tác động đến tình hình đăng ký DN trong tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, để đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền hệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lớn nhất từ trước đến nay với quy mô gần 350.000 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, trong đó hỗ trợ phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 110.000 tỷ đồng. Mục tiêu của Chương trình là tiếp tục chia sẻ khó khăn với người dân, hỗ trợ DN duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo thêm dư địa cho phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn. Đây được coi là cơ hội giúp DN phục hồi sau 2 năm vật lộn với dịch bệnh.

 

Bên cạnh đó, việc một số tổ chức quốc tế đưa ra dự đoán tăng trưởng tương đối tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, như Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,5%; HSBC dự báo 6,5%; Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng 6,7%.

 

Các chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như những nhận định tích cực của cộng đồng quốc tế thời gian gần đây đã mang lại cho cộng đồng DN niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Tập trung vào 3 giải pháp

 

Mặc dù số lượng DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại tăng mạnh, nhưng tháng 1/2022 cả nước cũng có tới 38.364 DN tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể trong tháng, tăng 49,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 29.255 DN tạm ngừng kinh doanh, chiếm 76,3% tổng số DN rút lui khỏi thị trường và tăng 62,0% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, mức độ ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đến tình hình hoạt động của DN vẫn rất nặng nề, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Trong đó, riêng thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 1/2022, có tới 12.127 DN tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 31,6% của cả nước và tăng 56,5% so với cùng kỳ năm trước. Hà Nội có 7.804 DN tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 20,3% của cả nước và tăng 82,5% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hỗ trợ DN ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà cho phát triển trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN và sẽ được triển khai thực hiện trong Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023.

 

Cụ thể, để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 3 giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho DN, như: Tiếp tục chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho DN; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí cho DN; thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho các DN trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi kinh tế.

 

Thứ hai, hỗ trợ tái cấu trúc DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững. Đẩy mạnh triển khai hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN nhỏ và vừa theo quy định tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trọng tâm vào các DN khởi động sáng tạo, hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, hỗ trợ DN chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ tái cấu trúc lao động; hỗ trợ thu hút, đào tạo lại lao động cho DN; tái cấu trúc và tài chính cho DN; quản trị rủi ro; phát triển kinh doanh bền vững, kinh tế xanh.

 

Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng thuận lợi cho DN hoạt động. Rà soát, sửa đổi các quy định chồng chéo, mâu thuẫn để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, các cơ chế, chính sách để định hướng cho DN đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch phát triển và bảo đảm quyền lợi đầu tư, giảm rủi ro kinh doanh. Tạo điều kiện để DN tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công-tư (PPP).

 

Theo ghi nhận từ các địa phương, DN tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong khi đó, các lĩnh vực có tỷ lệ DN giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm trước là nông, lâm nghiệp và thủy sản; kinh doanh bất đọng sản; y tế và hoạt đọng trợ giúp xã hội.

 

Theo báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang