Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 5 năm (2015-2019), ngành tôm Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan trong sản xuất và XK. XK tôm trong 5 năm qua đạt tăng trưởng trung bình năm là 4%, tuy nhiên tăng trưởng từng năm không ổn định.
Diện tích nuôi tôm tăng trung bình 1,4%/năm, sản lượng tăng trung bình 5,7%/năm, chủ yếu nhờ năng suất nuôi tôm chân trắng cải thiện. Sản lượng tôm chân trắng tăng liên tục và tăng mạnh gần 41% sau 5 năm, với mức tăng trung bình 9% mỗi năm. Trong khi đó, sản lượng tôm sú tăng trung bình 1,2% và chỉ tăng 3,1% sau 5 năm, năng suất không có sự tăng trưởng đáng kể so với tôm chân trắng.
Trong giai đoạn này, các thị trường lớn nhất của XK tôm Việt Nam (EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) chiếm 81-85% tổng giá trị. Trong đó, XK sang Trung Quốc đột phá mạnh nhất với tăng trưởng trung bình năm là 16% và sau 5 năm tăng trên 55%. Kế đến là Hàn Quốc và EU. Từ năm 2017, Mỹ và EU hoán đổi vị trí cho nhau vì XK tôm sang Mỹ sụt giảm liên tục và giảm mạnh hơn thị trường EU.
Trong tổng XK tôm Việt Nam, sản phẩm tôm đông lạnh vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi tôm chế biến chỉ chiếm tỷ trọng đáng kể ở một số thị trường lớn, cao nhất là thị trường Mỹ, tiếp đến là EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi ASEAN và Trung Quốc ở mức thấp.
Tại các thị trường chính, thuế nhập khẩu các sản phẩm tôm của Việt Nam có lợi thế hơn so với các nước XK khác như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan hay Trung Quốc, nhất là tại các thị trường có hiệp định FTA với Việt Nam. Đây sẽ tiếp tục là ưu thế cho XK tôm Việt Nam trong năm 2020 và những năm tới.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất và XK tôm sang các thị trường, vì vậy sẽ làm hạn chế tăng trưởng của ngành tôm trong năm nay, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của mỗi thị trường sẽ khác nhau.
Theo VietQ