Cách đây gần 60 năm, Gordon Moore, đồng sáng lập tập đoàn Intel đã cho ra đời “Định luật Moore” nói rằng, năng lực máy tính qua thời gian sẽ tăng mạnh, trong khi giảm chi phí tương đương với tốc độ rất nhanh. Một bằng chứng là mức chi tiêu toàn cầu vào các dịch vụ kỹ thuật số được dự đoán sẽ lên tới 3.400 tỷ USD đến năm 2020. Sau đây là 8 xu hướng công nghệ nổi bật.
Xu hướng dữ liệu hóa cuộc sống của con người
Từ việc chat/gọi với bạn bè qua một ứng dụng tin nhắn, mua sắm trên các nền tảng ứng dụng, cho đến đăng hình ảnh/bài trên mạng xã hội hay tải nhạc, gần như mọi thứ chúng ta làm để lại những “dấu vết” dữ liệu. Việc ngày càng dữ liệu hóa cuộc sống của chúng ta đã dẫn đến cuộc bùng nổ dữ liệu chưa từng có.
Chỉ trong trung bình 1 phút, Facebook ghi nhận 900.000 lượt đăng nhập, hơn 450.000 dòng Tweet được đăng tải, 156 triệu email và 15 triệu tin nhắn được gửi đi. Với những con số “khủng” này, không có gì ngạc nhiên khi cứ mỗi 2 năm, chúng ta đã và đang tăng gấp đôi số lượng dữ liệu được tạo ra trên thế giới.
Thời đại Internet of Things (IoT) chỉ mới bắt đầu
IoT - chỉ mạng lưới các thiết bị thông minh được kết nối Internet như điện thoại thông minh và đồng hồ thông minh - là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên cuộc bùng nổ dữ liệu. Đó là bởi vì tất cả các thiết bị thông minh đang không ngừng thu thập dữ liệu, kết nối với các thiết bị khác và chia sẻ những dữ liệu đó.
Hiện nay, rất nhiều thứ "thông minh". Chẳng hạn, xe hơi, đến năm 2020 sẽ có tới 250 triệu chiếc xe được kết nối Internet. Trong nhà, có những thiết bị thông minh như tivi, máy giặt… Và dĩ nhiên, nhiều người trong số chúng ta sở hữu những trợ lý cá nhân được kích hoạt bằng giọng nói như Alexa.
Rõ ràng đã có rất nhiều thiết bị thông minh, nhưng thời đại IoT chỉ mới bắt đầu. IHS đã dự đoán sẽ có 75 tỷ thiết bị được kết nối đến năm 2020; còn theo báo cáo của BI Intelligence, gần 6.000 tỷ USD sẽ được chi vào các giải pháp IoT chỉ tính riêng trong 5 năm tới.
Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của máy tính lượng tử
Cuộc bùng nổ dữ liệu, sự xuất hiện của hàng tỷ thiết bị IoT sẽ không thể xảy ra nếu không có những bước tiến vượt bậc về năng lực máy tính. Giai đoạn 1975-2015, cứ mỗi 2 năm năng lực máy tính lại tăng gấp đôi.
Dù năng lực của máy tính truyền thống đã đạt tới mức giới hạn, nhưng rất may là chúng ta đã có máy tính lượng tử. Máy tính lượng tử có lẽ là cuộc chuyển mình quan trọng nhất của năng lực máy tính từ trước đến nay khi đạt được tốc độ xử lý nhanh hơn hàng triệu lần so với tốc độ hiện tại. Những nhà lãnh đạo công nghệ đang trong cuộc đua cho ra mắt máy tính lượng tử được thương mại hóa đầu tiên, có khả năng xử lý các vấn đề mà máy tính ngày nay không thể làm được.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI)
Cuộc bùng nổ dữ liệu đã cho phép AI phát triển rất nhanh trong vài năm qua. Một hệ thống AI càng thu thập được nhiều dữ liệu bao nhiêu thì nó càng học hỏi nhanh hơn bấy nhiêu và càng trở nên chính xác hơn.
Bước nhảy vượt bậc này trong lĩnh vực AI có nghĩa là máy tính giờ có thể đảm nhiệm ngày càng nhiều công việc của con người. Thực tế, AI cho phép máy tính thấy được (như phần mềm nhận diện khuôn mặt), đọc được (như phân tích các tin nhắn truyền thông xã hội), nghe được (như trợ lý ảo Alexa có thể phản hồi mọi lời yêu cầu của bạn), nói được (như Alexa có thể trả lời câu hỏi của bạn) và thăm dò cảm xúc của bạn (như máy tính cảm xúc - affective computing).
Tự động hóa mạnh mẽ
Máy móc càng trở nên thông minh hơn, chúng càng làm được nhiều thứ hơn cho con người. Điều đó có nghĩa là ngày càng nhiều các quy trình, quyết định, chức năng và hệ thống có thể được tự động hóa và được thực hiện bởi các thuật toán hoặc robot. Từ công việc tài xế lái xe tải, thợ xây dựng cho đến bác sĩ, danh sách những công việc có thể bị ảnh hưởng bởi tự động hóa ngày càng gia tăng. Một ước tính cho thấy, 47% việc làm của Mỹ đang có nguy cơ bị tự động hóa.
Công nghệ in 3D mở ra nhiều cơ hội
Sự ra đời của công nghệ in 3D đang là “kẻ phá bĩnh” đối với ngành sản xuất và các ngành khác theo nhiều hướng tích cực. Trong lĩnh vực sản xuất truyền thống, các vật thể được cắt, khoét từ các vật liệu như kim loại, thép…. Nhưng trong lĩnh vực in 3D (còn gọi là sản xuất đắp bù - additive manufacturing), vật thể được tạo ra bởi cách chồng lên nhiều lớp vật liệu. Các vật liệu được sử dụng trong in 3D có thể là bất cứ cái gì: nhựa, kim loại, bê tông, chất lỏng, bột, thậm chí sôcôla hoặc mô người. Nó cũng cho phép sản xuất các sản phẩm một cách tùy biến hơn rất nhiều.
Blockchain có thể làm thay đổi thế giới
Blockchain (công nghệ đứng sau đồng tiền ảo Bitcoin) là một giải pháp rất thực tế để giải quyết vấn đề lưu trữ, xác thực và bảo vệ dữ liệu. Cốt lõi của blockchain là dựa trên cơ chế phân tán, tức phân phối quyền lực và rủi ro một cách công bằng cho tất cả những ai tham gia trong một mạng lưới.
Tính ưu việt của blockchain đã thu hút doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực này. Chẳng hạn, SparkleCoin đang áp dụng công nghệ blockchain để cho phép người tiêu dùng hàng ngày mua các sản phẩm “vật chất” và dịch vụ từ các nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới bằng cách sử dụng tiền điện tử (cryptocurrency). Ngành dịch vụ tài chính, bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe cũng rất hứng thú với công nghệ này. 90% các ngân hàng Bắc Mỹ và châu Âu đang khai thác các giải pháp blockchain.
Doanh nghiệp “thịnh vượng” nhờ các nền tảng
Nền tảng là một mạng lưới (kỹ thuật số hoặc vật chất) tạo ra giá trị cho những người tham gia bằng cách tạo điều kiện giúp con người kết nối và trao đổi dịch vụ, sản phẩm hoặc thông tin. Nó đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các doanh nghiệp như Airbnb, Uber và Amazon và cũng là nền tảng mà Facebook và Twitter dựa vào. Nền tảng cũng mở ra cơ hội tăng trưởng cho tất cả các loại ngành, doanh nghiệp, lĩnh vực, chứ không chỉ các công ty công nghệ. Thậm chí các công ty truyền thống như Ford cũng đang bắt đầu phát triển các chiến lược nền tảng.
Nguồn Enternews