Các Bộ, ngành đã kết nối bao gồm: Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế.
Cơ chế một cửa quốc gia theo định nghĩa tại Luật Hải quan 2014 và các điều ước quốc tế là việc doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước thực hiện thủ tục hành chính để cấp phép và thông quan cho hàng hóa và phươg tiện vận tải trên hồ sơ điện tử, giấy phép điện tử qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống công nghệ thông tin chuyên ngành. Việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành (như kiểm tra chất lượng, kiểm định, kiểm nghiệm...) do các Bộ, ngành thực hiện và kết quả kiểm tra chuyên ngành, giấy phép được kết nối và gửi trực tuyến cho Cổng thông tin một cửa quốc gia để cơ quan hải quan và các cơ quan hữu quan thông quan cho hàng hóa và phương tiện vận tải.
Thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức, người dân không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính trước khi hàng hóa, phương tiện được thông quan nên giảm bớt phiền hà, tiêu cực. Chi phí chuẩn bị hồ sơ được giảm bớt, thời gian chuẩn bị hồ sơ được rút ngắn do chỉ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ điện tử để gửi cho tất cả các cơ quan liên quan thay vì phải sao lục nhiều lần.
Thời gian thông quan cũng được rút ngắn do các cơ quan nhà nước không phải mất nhiều thời gian để kiểm tra, đối chiếu hồ sơ giấy mà việc này đã có hệ thống tự động hỗ trợ. Tính chính xác, độ tin cậy của thông tin và hồ sơ được đảm bảo vì ít có sự can thiệp của con người nên hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước cũng được nâng cao.
Theo Bộ Tài chính, đến nay, về mặt số lượng, các thủ tục hành chính kết nối Cơ chế một cửa quốc gia mới đạt gần 30% so với tổng số các thủ tục hành chính cấp phép cho hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh. Thủ tục hải quan đã được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức điện tử trên phạm vi toàn quốc dựa trên hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, trừ một số trường hợp đặc thù (chiếm không quá 2% tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu).
Trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh, đối với các Bộ, ngành đã kết nối, tạm đánh giá, Bộ triển khai nhiều thủ tục nhất (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - 8 thủ tục, bao gồm kiểm dịch động, thực vật tại cửa khẩu) mới chỉ đạt khoảng 40% trên số lượng các thủ tục Bộ chủ quản cần đưa lên thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hiện mới chỉ triển khai được thủ tục cho tàu biển đối với 08/25 cảng vụ hàng hải, thủ tục cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa vào/rời cảng biển mới chính thức triển khai từ 01/3/2016.
Thủ tục đối với tàu thuyền ra/vào cảng thủy nội địa; thủ tục cho phương tiện và hàng hóa chuyên chở trên phương tiện vận tải xuất cảnh/nhập cảnh/quá cảnh đường bộ, đường hàng không, đường sắt; thủ tục cấp phép cho phương tiện quá cảnh theo hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và một số nước láng giềng có chung biên giới đường bộ (VD: Lào, Campuchia) vẫn chưa được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Để tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa quốc gia theo Nghị quyết 19/NQ-CP về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 36a/2015/NQ-CP về chính phủ điện tử với mục tiêu chủ yếu là đưa toàn bộ các dịch vụ công chủ yếu tác động đến doanh nghiệp, tổ chức tham gia hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu, xuất cảnh/nhập cảnh và quá cảnh lên thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia; Bộ tài chính (Tổng cục Hải quan) đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đến năm 2018 tất cả các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động XNK, XNC của các Bộ, ngành phải được thực hiện thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia ở cấp độ 4.
Đối với khu vực và quốc tế, từ tháng 9/2015, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN; sẵn sàng để chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa ASEAN có hiệu lực trong năm 2016.
Cũng tại kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các Bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ, một số mục tiêu kết nối ASEAN và kết nối với các quốc gia ngoài ASEAN để tạo thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam.
Cụ thể, đến 2017, chính thức thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi một số chứng từ điện tử bên cạnh chứng nhận xuất xứ hàng hóa với các nước thành viên đã sẵn sàng theo lộ trình chung của ASEAN. Đến năm 2018, cung cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng nhận kiểm dịch động/thực vật, giấy phép rời cảng cho tàu biển điện tử cho các quốc gia có nhu cầu kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam; thí điểm trao đổi ít nhất một loại chứng từ điện tử do cơ quan nhà nước cấp với một đối tác thương mại của Việt Nam để tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đến năm 2020, mở rộng trao đổi một số loại chứng từ điện tử trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, gia nhập để tạo thuận lợi cho giao lưu hàng hóa giữ Việt Nam với các đối tác thương mại quốc tế.
Theo Doanhnghiepvn