Những không gian sinh động
Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn Ðà Nẵng đã lan tỏa phong trào yêu sách, đọc sách bằng những hình thức thể hiện phong phú, đa dạng. Ngoài mô hình tủ sách, kệ sách sân trường, các mô hình khu vườn tuổi thơ, cà-phê sách… đã và đang được nhiều điểm trường lựa chọn, tổ chức. Hình thức tuy không mới, nhưng hiệu quả mang lại bước đầu đã thay đổi được nhận thức của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Hầu hết các trường tiểu học và trung học trên địa bàn thành phố đã phát động phong trào đọc sách trong thư viện, tăng cường tổ chức đọc sách ngoài trời, phát huy hiệu quả các tủ sách mở, thư viện mở, xây dựng tủ sách lưu động... cho nên tỷ lệ học sinh đọc sách ngày càng tăng. Văn hóa đọc, nói một cách khác là sự hấp dẫn của những tri thức từ sách, đã và đang dần bị thay thế bởi nhiều phương tiện "đa phương tiện" khác, nhưng có một điều khó có thể thay thế là giá trị của văn hóa đọc. Trong thời đại của công nghệ số, tri thức nhân loại được chuyển tải dưới nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, phương thức đọc, môi trường đọc cũng có nhiều thay đổi, song có một điều không thể thay đổi là giá trị của văn hóa đọc, đọc sách. Những trang sách vẫn mở ra cho các em học sinh ở mọi lứa tuổi những cảm nhận riêng biệt và có sức cuốn hút kỳ lạ.
Chúng tôi được trở về với kho báu tuổi thơ với những em học sinh Trường tiểu học Lê Văn Hiến (quận Ngũ Hành Sơn, TP Ðà Nẵng) trong ngày khai trương mô hình cà-phê sách trong khu vườn tuổi thơ của trường. Ðây là không gian mở, thân thiện dành cho giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh. Sáng thứ bảy hằng tuần, nhiều cha mẹ học sinh đã dành thời gian đưa các em đến đây và cùng thưởng thức cà-phê ngon bên cuốn sách hay, thú vị. Các em học sinh cũng được thỏa thích tìm đọc nhiều cuốn sách hay, để có thể thấy được cuộc sống muôn màu, muôn vị trong những trang sách mở. Những cuốn sách khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn học, lịch sử, truyện cổ tích… sẽ là kho tri thức đầy ắp cho tuổi thơ các em có những kỷ niệm đẹp. Nhìn thấy niềm vui, sự hào hứng của hàng trăm em học sinh truyền tay nhau nhiều cuốn sách, mới nhận rõ được các giá trị được chắt lọc từ sách đối với học sinh. Em Phạm An Như, học sinh lớp 2/1 Trường tiểu học Lê Văn Hiến hào hứng khi được đọc sách trong khu vườn tuổi thơ: "Ở nhà em thích đọc nhất là các cuốn truyện tranh, truyện cổ tích Việt Nam và thế giới. Hôm nay, em rất vui vì được cùng các bạn thỏa thích đọc sách trong giờ giải lao".
Cô giáo Phạm Thị Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Hiến tâm sự: Học sinh tiểu học là lứa tuổi hồn nhiên, sống tình cảm. Văn hóa đọc được hình thành và phát triển ở lứa tuổi này sẽ là hành trang quý báu cho cuộc sống tương lai của các em. Những trang sách vẫn mở ra cho các em học sinh ở mọi lứa tuổi những cảm nhận riêng biệt và có sức cuốn hút kỳ lạ. Ðây cũng là một trong những yêu cầu giáo dục của cấp tiểu học nhằm đáp ứng những yêu cầu, quyền lợi của trẻ, là con đường để giúp trẻ hình thành và phát triển toàn diện nhân cách. Ðể tạo cho học sinh có thói quen đọc sách tiếp xúc hằng ngày với tri thức mới qua những trang sách, thì việc xây dựng không gian văn hóa đọc trong trường học là hết sức cần thiết, quan trọng. Ý thức được điều đó, nhà trường đã có nhiều phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động thiết thực để khơi gợi niềm yêu thích đọc sách trong học sinh, giáo viên, nhân viên.
Nhân lên giá trị văn hóa đọc
Thực hiện Quyết định 284/QÐ-TTg ngày 24-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, hằng năm, UBND thành phố Ðà Nẵng đã ban hành các kế hoạch tổ chức Hội sách tại các quận, huyện trên địa bàn nhằm tôn vinh, khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sách; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt chú trọng đến đối tượng thiếu nhi, học sinh, sinh viên về văn hóa đọc. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể đối với việc sáng tác, quảng bá, lưu giữ sách. Trên cơ sở đó, phong trào đọc sách, Ngày sách Việt Nam đã được tổ chức hầu khắp các quận, huyện. Việc triển khai Ngày sách Việt Nam tại Ðà Nẵng trong 5 năm qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan; đây thật sự trở thành ngày hội, thành nét văn hóa đẹp đối với người dân, du khách. Hoạt động hội sách đã được mở rộng không ngừng về quy mô, chất lượng, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Ðến nay, TP Ðà Nẵng có hơn 30 điểm cà-phê sách tại quận Hải Châu, bảy điểm cà-phê sách tại quận Liên Chiểu và Công viên cà-phê sách tại quận Sơn Trà. Tại các UBND phường đều duy trì hoạt động "Tủ sách pháp luật" cho người dân tự do tham khảo, ngành giáo dục và đào tạo Ðà Nẵng phát động phong trào xây dựng "Tủ sách mở" tại tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố từ năm học 2017-2018… Sau quận Hải Châu, các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang cũng lần lượt tổ chức các hội sách thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia. Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh, đồng thời là Trưởng Ban tổ chức Hội sách Hải Châu chia sẻ, từ lần đầu tổ chức hội sách với 12 đơn vị, 30 gian hàng; đến Hội sách Hải Châu năm 2019 vừa qua, đã có hơn 50 đơn vị và hơn 200 gian hàng tham gia. Qua từng năm, sự kiện hội sách đã góp phần lan tỏa giá trị của văn hóa đọc, thu hút sự quan tâm hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là các em học sinh, sinh viên; tạo môi trường tôn vinh văn hóa đọc về nhiều mặt, đặc biệt là ý nghĩa chính trị, văn hóa trong hội nhập và phát triển.
Thư viện Tổng hợp Ðà Nẵng, thời gian qua, đơn vị đã dẫn đầu trong công tác trưng bày, tổ chức hội sách. Giám đốc Thư viện Tổng hợp Ðà Nẵng Phạm Hồng Thái cho biết: Từ năm 2018, thư viện phối hợp tổ chức cấp thẻ liên thông cho người dân, học sinh, sinh viên đang sống và làm việc trên địa bàn thành phố; tổ chức thêm nhiều hoạt động khác, như: "Phiên chợ sách", thi kể chuyện và tìm hiểu về sách, giới thiệu tác giả, tác phẩm... Thư viện đã xây dựng, nâng cấp phòng đọc cho thiếu nhi, mở cửa phục vụ thông tầm thứ bảy, chủ nhật, mở cửa đến 20 giờ 30 phút; nâng cao chất lượng sách thiếu nhi và không ngừng đổi mới các hoạt động như giới thiệu sách mới, sách hay hằng tháng theo từng độ tuổi. Năm 2018, chúng tôi đã phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðà Nẵng tổ chức thành công Cuộc thi "Ðại sứ văn hóa đọc Ðà Nẵng" dành cho học sinh tiểu học và THCS. Thật sự cuộc thi đã khơi dậy niềm đam mê đọc sách và khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa văn hóa đọc đến học sinh trên toàn thành phố Ðà Nẵng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thời gian tới các cấp chính quyền thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư tốt hơn đến văn hóa đọc. Các địa phương, đơn vị cũng cần mở rộng quy mô, tổ chức bài bản các ngày hội sách, phong trào đọc sách, đặc biệt đối với các địa phương nông thôn, vùng xa trung tâm, để người dân thuận tiện trong việc đọc sách, tiếp cận sách, lan tỏa giá trị đọc sách, tạo thành một nét đẹp văn hóa được cộng đồng đón nhận và tôn vinh.
Theo Báo Nhân Dân