Mới đây, Trung Quốc đã đưa vào vận hành một cảng container thông minh không phát thải carbon tại Cảng biển Thiên Tân, phía Bắc Trung Quốc. Theo ông Chu Bin, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty TNHH Cảng Thiên Tân, đây là cảng container "thông minh" và "không carbon" đầu tiên trên thế giới, một bước tiến về việc nâng cấp và phát triển các cảng thông minh, thải lượng carbon thấp toàn cầu.
Bằng cách sử dụng công nghệ AI, trung tâm điều hành cảng biển có thể tự động đưa ra các kế hoạch xếp dỡ hàng hóa tốt nhất và kiểm soát từng thiết bị, dẫn đến hiệu quả cao hơn 20% so với các cảng container truyền thống. Các robot thông minh vận chuyển theo chiều ngang được trang bị nhiều cảm biến khác nhau như radar laser, camera và radar sóng mm cũng được đưa vào sử dụng tại cảng biển.
Cảng Thiên Tân sẽ được vận hành nhờ vào nguồn năng lượng từ phong điện và quang điện. Mức tiêu thụ năng lượng có thể thấp hơn 17% so với các cảng container tự động truyền thống. Cảng container thông minh không khí thải carbon được thiết kế để đạt năng suất bốc dỡ 2,5 triệu container TEU/năm.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy việc nâng cấp các cảng thông minh ở Hạ Môn, Ninh Ba và Đại Liên, đồng thời sẽ xây dựng các cảng tự động ở Thiên Tân, Tô Châu và Khu tự trị Choang Quảng Tây, Tây Nam Trung Quốc. Các nhà khai thác cảng tại quốc gia này cũng đang đẩy nhanh việc áp dụng thiết lập lịch trình thông minh và các thiết bị điều khiển từ xa và phương tiện vận chuyển không người lái.
Không chỉ tại Trung Quốc, một số quốc gia tại phương Tây cũng đã tham gia vào cuộc đua cảng thông minh. Hà Lan là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào các cảng biển.
Theo chính quyền cảng Rotterdam, việc thử nghiệm giao hàng bằng drone vào cuối tháng 9/2020 diễn ra suôn sẻ. Hiện này họ đang thực hiện nhiều chuyến bay hơn để đánh giá đầy đủ tiềm năng của công nghệ này trong nỗ lực phát triển môi trường hiệu quả hơn, yên tĩnh hơn, an toàn hơn và ít ô nhiễm hơn tại các cảng biển.
Mặc dù chỉ là một khía cạnh của cảng thông minh, máy bay không người lái đã được triển khai để phát hiện mức độ ô nhiễm trong các tàu thuyền đến gần bờ biển, và kiểm tra nội dung của các chồng container thay vì đưa công nhân lên cần cẩu, đồng thời tiết kiệm thời gian bằng cách vận chuyển các gói hàng như cảng biển tại Rotterdam đang thực hiện.
Cảng container không phát thải carbon ở Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Cố vấn Ingrid Römers của Cảng vụ Rotterdam cho biết, một trong những thách thức lớn nhất mà các cảng phải đối mặt là xử lý lưu lượng hàng hóa lớn đến và ra, số hóa và trí tuệ nhân tạo chính là chìa khóa “giải cứu”.
“Drone có thể có tác động lớn đến giao thông và vận tải. Bên cạnh đó, việc sử dụng các tiến bộ công nghệ cũng góp phần làm giảm giá thành cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 đã làm gia tăng một loạt chi phi. Đây cũng là một giải pháp sẽ giúp các quốc gia đạt được mục tiêu về một cảng trung hòa carbon”, ông Romers cho biết.
Dự kiến, vài năm tới, các cảng tại Rotterdam sẽ đưa drone và máy bay không người lái vào sử dụng theo từng giai đoạn.
Các chuyên gia đánh giá, COVID-19 đã, đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy số hóa hệ thống cảng biển trên thế giới. Dư địa phát triển là rất lớn khi phần lớn các cảng biển trên thế giới vẫn phụ thuộc vào các tương tác truyền thống. Việc trao đổi dữ liệu điện tử sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Các bên tham gia chuỗi cung ứng cũng buộc phải từ bỏ dần các quy trình thủ công, tiến tới các giải pháp quản lý tự động hóa. Khi đó, hợp đồng sẽ được chốt nhanh hơn, tàu thuyền ra khơi đúng công suất và toàn bộ chuỗi cung ứng đều hưởng lợi.
Trong tương lai, các cảng thông minh sẽ tạo sức hút lớn ở những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới như Địa Trung Hải, kênh đào Suez/Biển Đỏ, vịnh Trung Đông, khu vực ven biển Trung Quốc cho tới Úc.
Theo Diendandoanhnghiep.vn