Thứ Bẩy, 23/11/2024 01:32:41 GMT+7
Lượt xem: 1845

Tin đăng lúc 13-05-2020

Âm hưởng sắc màu về một thời hào hùng

Nhiều bức tranh đặc sắc về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa được giới thiệu tại cuộc triển lãm trực tuyến do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Dù lấm bụi thời gian, nhưng đây là lần đầu tiên công chúng được tiếp cận những tác phẩm đắt giá nhất về thời chiến do các danh họa hàng đầu Việt Nam thể hiện.
Âm hưởng sắc màu về một thời hào hùng
Bức tranh “Đất này của tổ tiên ta” của họa sĩ Nguyễn Thế Vinh

Đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, chùm tác phẩm về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trưng bày bằng trực tuyến là dịp để hồi tưởng về một chiến công oanh liệt, vĩ đại trong lịch sử, thể hiện tình cảm, tấm lòng biết ơn của thế hệ hôm nay trước sự dũng cảm quên mình của thế hệ cha ông đã chiến đấu vì nền độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Những tác phẩm nghệ thuật này trong triển lãm đã đem đến cho người xem những ấn tượng tốt đẹp, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng và để lại trong mỗi chúng ta niềm tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng.

 

Tạo ra nhiều cảm xúc là bức tranh sơn mài “Mẹ kháng chiến” của NSND, họa sĩ Hoàng Trầm. Thoạt nhìn bức tranh giống như hình ảnh cắt ngang một căn hầm bí mật. Trung tâm bức tranh là hình ảnh bà má miền Nam cùng người con gái đang chăm sóc chiến sĩ bị thương, xung quanh là các đồ sinh hoạt quen thuộc như chiếc làn đỏ, chai nước, cặp lồng cơm, chiếc mền kê chân… Bức tranh không nhiều chi tiết, nhưng tác giả khéo léo sắp xếp các nhân vật để khỏa lấp gần hết không gian tranh, tạo cảm giác chật chội, ngột ngạt, thể hiện sự khó khăn, gian khổ của những chiến sĩ chiến đấu trong thành phố thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

 

Bên cạnh đó, công chúng cũng đặc biệt ấn tượng với bức sơn màu “Trái tim và nòng súng” của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm (1922 - 1987). “Trái tim và nòng súng” là một tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ này về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh sống động cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang của phụ nữ Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. “Trái tim và nòng súng” tái hiện đoàn người biểu tình, đa phần là phụ nữ Nam bộ trong trang phục áo bà ba, khăn rằn, nón lá, đang đấu tranh với lực lượng vũ trang của địch. Trọng tâm của bức tranh là hai người phụ nữ với dáng điệu cương quyết, tượng trưng cho chính nghĩa. Sự tương phản giữa khí thế lấn át của đông đảo quần chúng với sự đơn độc của kẻ thù đã thể hiện không khí cách mạng rực lửa, lòng căm thù quân giặc cùng niềm tin chiến thắng của những người biểu tình.

 

Tác phẩm sơn khắc “Tải đạn” được họa sĩ Lê Thanh Trừ  (1932-2019) sáng tác năm 1975 lại mô tả một hình thức vận chuyển vũ khí bằng thuyền ba lá trên sông rạch rất đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Thuyền cập bến, các nữ dân quân lội nước chuyển vũ khí vào bờ. Ở đó, một số nam, nữ dân quân và bộ đội đang nói chuyện, trao đổi trong lúc tạm nghỉ. Khoảnh khắc yên bình nơi vùng căn cứ kháng chiến được tác giả thể hiện trong khung cảnh nhẹ nhàng. Với bút pháp hiện thực, cách tạo hình chi tiết của đồ họa, cách sắp xếp bố cục nhiều nhóm nhân vật, cách sử dụng mảng, nét, đậm nhạt… tạo nhịp điệu chuyển động, tác giả cho thấy một phần đời sống của quân dân du kích miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Ngoài ra, tác phẩm tranh lụa “Bên chiến hào Vĩnh Linh” của NSND - họa sĩ Đào Đức (1928 – 2007) sáng tác trong giai đoạn đi thực tế ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đầu những năm 1970.  Bức tranh khắc họa bên chiến hào, nơi những thân cây cháy xém, sườn đồi trơ trụi với những mô đất gồ ghề bị xới tung bởi bom đạn, hai anh lính, người cảnh giới, người đọc báo cho nữ dân quân cùng nghe. Trong khoảng lặng ấy của chiến tranh, sức sống mãnh liệt và khát vọng hòa bình của quân dân Vĩnh Linh được thể hiện ở những mầm xanh vươn lên mạnh mẽ từ những thân cây đổ nát, cùng màu xanh áo lính của những nam nữ thanh niên còn rất trẻ. Bằng lối vẽ tả thực, bố cục hình tam giác chắc chắn, sử dụng chất liệu lụa mềm mại, tác phẩm lên án sự tàn phá của chiến tranh, đồng thời ca ngợi tinh thần yêu nước, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

 

Đặc biệt, tác phẩm sơn mài “Đất này của tổ tiên ta” được họa sĩ Nguyễn Thế Vinh (tên thật Nguyễn Vĩnh Nguyên, 1926 – 1997) hoàn thành năm 1970, khắc họa khoảng lặng sau trận đánh. Bốn nhân vật, người châm thuốc lá hút, người dựa thân cây, người ngồi lau súng… luôn sẵn sàng chiến đấu. Chiếc bàn thờ đơn sơ với mái che dựng tạm trên nền ngôi nhà đổ nát do bom đạn tàn phá được đặt ở trọng tâm bức tranh, thể hiện sự tôn vinh giá trị thiêng liêng nguồn cội và nét đẹp văn hóa Việt Nam. Bức tranh với gam màu nóng cùng sắc rực rỡ của vàng, son diễn tả lửa khói của bom đạn, gợi ra sự khốc liệt của cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Khung cảnh làng quê trong chiến tranh hiện ra xơ xác, tiêu điều. Ngoài bốn nhân vật chính thì hình ảnh hai chú gà là chi tiết gắn kết chặt chẽ bố cục bức tranh. Dưới bàn tay tài hoa của người họa sĩ, “Đất này của tổ tiên ta” chính là lời khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền bất khả xâm phạm của dân tộc, là quyết tâm gìn giữ từng tấc đất cha ông của quân dân Việt Nam.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang