Nghề đan đát xã Long Giang hiện tập trung ở 2 ấp Long Mỹ 2 và Long Phú. Làng nghề hiện có khoảng 130 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm hơn 450 lao động ở địa phương. Ngoài ra, còn có 6 cơ sở chuyên thu mua, phân phối sản phẩm ra thị trường. Tùy từng công đoạn, mỗi lao động có thu nhập từ 40.000-150.000 đồng/ngày.
Làng nghề sản xuất các mặt hàng như rổ, thúng, sề… Trong đó, thúng được chia thành: thúng 5 lít, 10 lít, 20 lít và thúng 40 lít; giá bán dao động từ 33.000-100.000 đồng/cái.
Những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, các địa phương đã triển khai nhiều chương trình khuyến công hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đăng ký nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, tổ chức truyền nghề, dạy nghề cho người lao động… để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, tăng tính cạnh tranh, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.
Năm 2007, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công An Giang, làng nghề đan đát xã Long Giang đã xây dựng được thương hiệu riêng. Nhờ đó, các sản phẩm của làng nghề ngày càng được thị trường chấp nhận.
Theo ông Đinh Hùng Cường - Tổ trưởng Làng nghề đan đát Long Giang: “Làng nghề đan đát xã Long Giang trên đà phát triển ổn định. Thông qua địa chỉ website của làng nghề, nhiều khách hàng chủ động liên hệ với chúng tôi để đặt hàng nên sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết, không có tình trạng tồn đọng”.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề rất rộng, khắp các tỉnh ĐBSCL, như: Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… cho đến xuất khẩu sang Campuchia. Trong đó, có đến 80% sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng của các thương lái nên đầu ra của sản phẩm được đảm bảo.
“Các loại thúng được tiêu thụ mạnh từ khoảng tháng 10 (âm lịch) trở đi, do đây là thời điểm vào vụ thu hoạch lúa ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Các loại sản phẩm khác, như: rổ, xề… bán chạy vào thời điểm từ tháng 7 - tháng 10 (âm lịch). Đây là thời điểm mùa nước nổi, người dân mua các sản phẩm để đựng và đánh bắt cá” - ông Cường chia sẻ.
Bên cạnh các mặt hàng truyền thống, thời gian gần đây, làng nghề đan đát xã Long Giang có nhiều đổi mới, cải tiến mẫu mã để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều cơ sở trong làng nghề đã phát triển thêm các sản phẩm, như: thúng, rổ có kích thước nhỏ hơn, phục vụ nhu cầu của khách du lịch hay để trang trí ở các hàng quán, khu du lịch…
Bà Lê Kim Hà, chủ một cơ sở trong làng nghề đan đát Long Giang, cho biết: Khoảng 5 năm trước, trong một lần tham gia hội chợ ở tỉnh bạn, thấy nhiều cửa hàng có trưng bày các loại thúng, rổ, sề kích thước nhỏ và được trang trí bắt mắt nên bà quyết định đẩy mạnh sản xuất nhằm đưa ra thị trường để thử nghiệm. Sau nhiều lần trưng bày tại các kỳ hội chợ do tỉnh tổ chức và được đánh giá khá cao, cơ sở bắt đầu phát triển song song 2 dòng sản phẩm cho đến nay.
Nhờ chất lượng sản phẩm ổn định, thị trường tiêu thụ rộng lớn nên Làng nghề đan đát xã Long Giang vẫn duy trì phát triển. Tuy nhiên, trước sự chuyển biến liên tục của thị trường, các sản phẩm bằng nhôm, nhựa, inox… đang có sự cạnh tranh với các sản phẩm đan đát tại làng nghề, vì thế, vấn đề quan trọng đặt ra là phải bảo tồn làng nghề truyền thống. Điều này đòi hỏi nhiều hơn nữa sự năng động của chính những người làng nghề, tiếp thị các sản phẩm tại các hội chợ, thị trường các tỉnh, thành, sự quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn mở rộng sản xuất, thương hiệu đan đát, tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế hoặc giúp đỡ trong ưu đãi đầu tư, tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn trong làng nghề của các cấp chính quyền nhằm ổn định đời sống cho người làm nghề, cũng như gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống.
Trường Phạm