Theo Quy hoạch tỉnh 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu có 16 CCN với tổng diện tích 545,69ha. Tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 11 CCN đã được thành lập, trong đó 7 CCN đã thu hút các dự án thứ cấp và đi vào hoạt động. Các CCN này bao gồm Ngãi Giao; An Ngãi, Hắc Dịch 1; Chế biến hải sản Lộc An; Chế biến thực phẩm Long Phước (đã hoàn thiện) và Boomin Vina, Tóc Tiên (đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật).
Ngoài ra, 5 CCN đang kêu gọi đầu tư, đó là CCN Phước Tân diện tích 50ha; CCN Tam Phước diện tích 30ha; CCN Long Hương 2 diện tích 35ha; CCN Đất Đỏ diện tích 32ha; CCN Châu Đức diện tích 32ha. Tính đến thời điểm hiện tại, các CCN đã thu hút 36 dự án thứ cấp với tỷ lệ lấp đầy đạt 42,05%.
Song song với những kết quả tích cực, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong quá trình phát triển CCN. Bên cạnh 2 dự án đang xây dựng hạ tầng là CCN Hồng Lam và Phước Thắng, vẫn còn 2 CCN đã được đầu tư hoàn chỉnh trong nhiều năm nhưng chưa thể đi vào hoạt động. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này và sớm đưa các CCN đi vào hoạt động, UBND tỉnh đã quyết định chuyển giao nhiệm vụ quản lý, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật các CCN được đầu tư từ nguồn ngân sách (bao gồm Lộc An, Long Phước, Hòa Long, Bình Châu) sang Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh.
Theo ông Đinh Trọng Cường, Giám đốc Trung tâm Khuyến công cho biết, việc chuyển giao này phù hợp với các quy định của Chính phủ về quản lý và phát triển CCN, và đã giúp tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế hoạt động của các CCN do Nhà nước đầu tư.
“Hiện nay, Trung tâm đang thỏa thuận nguyên tắc về vị trí, địa điểm, diện tích đất công nghiệp dự kiến cho thuê phù hợp từng cơ sở, tại từng CCN để thực hiện các thủ tục thuê đất, đầu tư, xây dựng, môi trường theo quy định”, ông Cường thông tin thêm.
Tuy nhiên, quá trình phát triển CCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Một số CCN triển khai đã hơn chục năm nhưng chưa đi vào hoạt động, tỷ lệ thu hút dự án thứ cấp còn thấp và việc xây dựng hạ tầng kéo dài, chưa đạt mục tiêu giải quyết việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư. Để khắc phục, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và di dời các cơ sở sản xuất đúng quy định. Đồng thời, xây dựng sổ tay hướng dẫn nhà đầu tư về quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường. Các huyện, thành phố có trách nhiệm thông báo rộng rãi và kêu gọi thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN theo quy hoạch, cũng như tổ chức thực hiện công tác di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được UBND tỉnh phê duyệt danh sách.
Sở Công Thương được giao là đơn vị tham mưu, ban hành Quyết định về mức hỗ trợ di dời theo Nghị định 32/2024/NĐ-CP, xây dựng sổ tay hướng dẫn nhà đầu tư. Các huyện, thành phố thông báo, kêu gọi đầu tư hạ tầng CCN và thực hiện di dời các cơ sở sản xuất. Mục tiêu là nâng tỷ lệ lấp đầy CCN lên 55% - 60% vào năm 2030.
Khôi Nguyên