Trải qua gần 10 năm hình thành và phát triển, đến nay, Tập đoàn An Phước – Viramie đã trở thành đối tác uy tín của nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp, các nhà thiết kế trong lĩnh vực thời trang, các doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước, ngành kinh doanh vải sợi may mặc và là người bạn đồng hành tin cậy của người nông dân Việt Nam, luôn sẵn sàng hợp tác để cùng phát triển.
Đặc biệt, kể từ khi ra đời đến nay, Tập đoàn đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc phát triển ngành Công nghiệp phụ trợ dệt may Việt Nam, từ mô hình sản xuất với công nghệ cao, cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành Dệt May cho đến việc giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp vào ngân sách Nhà nước đầy đủ hàng năm, nhằm xây dựng đời sống kinh tế - xã hội ngày một phát triển…
Để có được năng lực và thành quả đó, ngay từ khi đi vào hoạt động, Tập đoàn An Phước – Viramie đã xây dựng, triển khai và vận hành tốt dự án Nhà máy sản xuất sợi dệt kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Đây là Dự án được đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiên tiến với chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh từ vùng trồng nguyên liệu, kéo sợi đến dệt vải, nhuộm, in và may thời trang. Nhờ đó, Tập đoàn cung cấp cho thị trường những sản phẩm mang chất liệu tự nhiên từ cây gai xanh Việt Nam gồm: Vải gai các màu, vải gai in, sợi gai (Ramie), các sản phẩm thời trang và gia dụng có nguồn gốc từ sợi gai xanh Việt Nam. Vải Ramie là loại chất liệu tự nhiên, có tên gọi là cây gai xanh (Ramie). Sản phẩm từ vải Ramie có các đặc điểm nổi bật: Kháng khuẩn, khử mùi, hút ẩm và thoáng khí, chống nấm mốc và chống mài mòn.
Quy trình sản xuất hiện đại của Nhà máy Sợi gai An Phước – Viramie
Hiện nay, An Phước – Viramie đã chủ động được vùng nguyên liệu khoảng 6.000ha, định hướng đến năm 2030 mở rộng vùng nguyên liệu lên tới 20.000 ha, góp phần phủ xanh dải đất hình chữ S, mang lại sinh kế bền vững cho hàng nghìn nông dân là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Có được sự chủ động này cũng là nhờ UBND tỉnh Thanh Hóa đã sớm phê duyệt Đề án phát triển Vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 vào hồi tháng 4/2018. Đến nay, Nhà máy sợi gai An Phước – Viramie đã và đang sản xuất, cho ra các sản phẩm: Bông, xơ và sợi gai đa dạng về chỉ số, chủng loại. Nhà máy được đặt cạnh khu nghiên cứu chọn tạo cây giống Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá, với tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho gần 1.000 công nhân, với hệ thống máy móc, trang thiết bị dây chuyền công nghệ tân tiến được nhập khẩu hoàn toàn từ Ý, Đức và Trung Quốc.
Kể từ khi Nhà máy đi vào hoạt động ổn định, mỗi năm An Phước – Viramie cung cấp cho thị trường 1.700 tấn sợi gai thành phẩm và khoảng 1.400 tấn xơ gai. Với công nghệ và năng lực sản xuất như hiện nay nhà máy sợi gai An Phước có thể sản xuất ra dòng sợi 100% gai (sợi 100% ramie) đa dạng về chỉ số và các sản phẩm sợi gai hỗn hợp. Đặc biệt, sợi gai thành phẩm đều được tích hợp hệ thống truy xuất nguồn gốc, sẵn sàng đáp ứng tốt nhất các nhu cầu khắt khe từ đối tác trong nước và quốc tế. Đây cũng là thành quả, nỗ lực đáng ghi nhận khi An Phước – Viramie thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất, đáp ứng xu thế kinh tế tuần hoàn trên toàn thế giới. Cũng nhờ đó, mà hình ảnh một Nhà máy xanh, một môi trường sạch của An Phước – Viramie đã trở thành một trong những điểm sáng trên bản đồ Dệt May Việt Nam.
Việc hoàn tất quy trình hoàn toàn khép kín, từ vùng nguyên liệu đến nhà máy sản xuất đã làm giảm đáng kể lượng CO2 thải ra môi trường trong quá trình vận chuyển. Theo đó, trong quá trình sản xuất, 60% lượng nước thải được xử lý tuần hoàn, bùn thải tái tạo cho sản xuất, hạn chế thấp nhất ô nhiễm ra môi trường. Có thể nói, nhờ tiên phong trong việc sản xuất sợi gai một cách bền vững – một nguyên liệu phụ trợ đáng quý, luôn được khuyến khích phát triển, đáp ứng nguồn nguyên liệu phụ trợ chủ động cho ngành Dệt May, An Phước – Viramie đang nắm giữ cơ hội phát triển rất lớn trong ngành Dệt May.
Sản phẩm sợi gai An Phước - Viramie - niềm tự hào của thương hiệu phụ trợ Dệt May Việt Nam
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, việc “xanh hóa” trong sản xuất dệt May có thể giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu từ châu Âu, cùng đó là phát triển bền vững doanh nghiệp. Đây đã không còn là câu chuyện định hướng tương lai mà ngay trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp dệt may đã ý thức, chuyển mình để thực hiện yêu cầu này, bởi ngành Dệt May sẽ hoạt động theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải, loại bỏ các chất gây lo ngại và loại trừ phát sinh vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu hồi và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo.
Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi “xanh” đã được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện khoảng hơn 5 năm trở lại đây, trong đó có An Phước – Viramie. Tuy tiến trình thực hiện còn tương đối chậm đối với đại đa số DN nhỏ và vừa, song với động lực tất yếu là cần nâng cao lợi thế cho ngành, cải thiện trình độ nhân công, nên hiện nay chính là thời điểm tốt nhất để doanh nghiệp trong nước như An Phước – Viramie tập trung đẩy mạnh chuyển đổi xanh hơn nữa, đúng theo phương châm của Tập đoàn “Gieo sống xanh, gặt an lành”.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam (Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam – Bộ Công Thương) cũng khẳng định và lưu ý rằng: “Chuyển đổi sản xuất để phù hợp nhu cầu thị trường là tất yếu, đi kèm với điều này, vẫn cần cải thiện những yếu tố sẵn có thể thúc đẩy quá trình phát triển. Để đạt được mục tiêu, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến dự báo về tình hình giá bông trên thế giới để có những chiến lược bảo hiểm giá hợp lý, tăng tính ổn định và bền vững cho ngành công nghiệp xuất khẩu tỷ USD”.
Như vậy, với năng lực và uy tín đã được khẳng định, tin rằng, An Phước – Viramie sẽ phát huy hết những thế mạnh của mình, tận dụng tốt xu thế phát triển hiện nay, góp phần phát triển ngành Công nghiệp phụ trợ Dệt May Việt Nam lớn mạnh hơn nữa, giúp Việt Nam giữ vững thương hiệu những quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới… ./.
Hưng Hà