Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc bảo vệ, phát huy giá trị trang phục áo dài rất cần thiết và cấp bách đối với các cơ quan quản lý, cộng đồng và các nghệ nhân. Trong những năm qua, ngành Văn hóa đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cùng các bộ, ban, ngành tích cực đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế trang phục áo dài cũng như tuyên truyền, quảng bá áo dài - một biểu tượng tôn vinh vẻ đẹp, tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam ra thế giới.
Hội thảo khoa học quốc gia "Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc" được tổ chức nhằm nhận diện chính xác những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể, từ đó có được những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp, đảm bảo sức sống của áo dài theo tinh thần Công ước năm 2003 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Luật Di sản văn hóa của Nhà nước Việt Nam.
Hội thảo đã thu hút hơn 44 bài tham luận, tập trung làm rõ 4 chủ đề: Lịch sử phát triển áo dài Việt Nam; nhận diện, giá trị, bản sắc và biểu tượng của áo dài; sự đa dạng, kiểu cách thiết kế của áo dài và bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam; qua đó có những đề xuất giải pháp, kiến nghị góp phần nâng cao nhận thức về giá trị của trang phục, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nêu, trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài là một nét văn hóa sống động, đại diện cho văn hóa Việt Nam. Dù chưa có một văn bản luật chính thức nào khẳng định áo dài là "quốc phục" nhưng lâu nay, trang phục này đã được mặc định là "áo dài dân tộc" hay "trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam".
Còn theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa, áo dài xứng đáng được tôn vinh là một di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. "Mong muốn của chúng tôi là hội thảo sẽ cung cấp cứ liệu để nhận diện sự tham gia của cộng đồng, hình thành và lan tỏa tập quán mặc áo dài, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức về giá trị áo dài nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung", bà Bùi Thị Hòa chia sẻ.
Việc nhận diện chính xác những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này sẽ góp phần xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Theo Báo Hà Nội Mới