Phát biểu đề dẫn hội thảo, bà Jillian DeLuna – Đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, trên cơ sở tăng cường sự hiểu biết của các nhà hoạch định chính sách về DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa của APEC, hội thảo sẽ bàn thảo giải pháp tạo thuận lợi, tận dụng dòng thông tin và tăng cường kỹ năng kỹ thuật số để các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa gia nhập vào nền kinh tế kỹ thuật số.
Bà Jillian DeLuna cũng nhấn mạnh nền kinh tế kỹ thuật số sẽ tạo nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, đồng thời đem lại sự phát triển bình đẳng, bền vững cho các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, DN nhỏ và vừa cũng đang gặp khó khi muốn mở rộng kinh doanh thông qua nền kinh tế kỹ thuật số do những khó khăn về truy cập Internet, truyền dẫn băng thông rộng, tính an toàn và bảo mật thông tin cá nhân cũng như các kiến thức cơ bản về phát triển, hiện diện trực tuyến và chi phí đắt đỏ của các thiết bị công nghệ thông tin. Vì thế Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ sự hội nhập quốc tế của các DN nhỏ và vừa trong khu vực APEC trên lĩnh vực này.
Theo Ông Dan Miller - Bộ Thương Mại Hoa Kỳ cần nhấn mạnh tại sao các cơ hội trong nền kinh tế số lại rất quan trọng đối với MSMEs và những trở ngại có thể gặp phải ở thời điểm hiện tại, thông qua việc nhìn nhận lại những việc các nền kinh tế thành viên APEC đã làm cũng như để cập đến những việc ASEAN đang làm nhằm tạo thêm cơ hội, khuyến khích các MSMEs tham gia vào nền kinh tế mạng.
Hội thảo cũng đánh giá về những yếu tố chính để tăng cường trình độ kỹ thuật số, thảo luận về các nguyên tác thúc đẩy kinh tế số, nghiên cứu sáng kiến thành công, khuyến khích sự phát triển các nội dung, ứng dụng và dịch vụ nội địa, để đảm bảo giá trị kinh tế xã hội cho nền kinh tế kỹ thuật số với người tiêu dùng và DN trong khu vực.
Các đại biểu từ các nền kinh tế thành viên APEC trình bày, thảo luận các chủ đề liên quan đến nền kinh tế số
Các đại biểu tập trung thảo luận biện pháp nâng cao khả năng tiếp cận, kết nối của MSMEs cụ thể như tầm quan trọng của các chính sách và chiến lược nhằm đạt được luồng thông tin tự do giữa các nước cũng như những thị trường mở và có tính cạnh tranh. Nghiên cứu ví dụ điển hình của các MSMEs trong khu vực APEC phụ thuộc vào luồng thông tin qua biên giới để truy cập, ứng dụng nền kinh tế số trong các hoạt động kinh doanh của các DN trong khu vực.
Chia sẻ về cơ hội thách thức của Việt Nam trong thời kỳ phát triển công nghệ, Luật sư Trần Thanh- Giám đốc điều hành Công ty Luật Nelson và cộng sự cho rằng các sản phẩm công nghệ áp dụng vào cuộc sống phổ biến trên thế giới, mỗi sản phẩm công nghệ được tạo ra sẽ tiết kiệm được nhiều nhân công, năng suất lao động gia tăng. Hơn nữa sản phẩm công nghệ tạo sự thay đổi lớn với thế giới, tạo ra thặng dư cho xã hội mà điển hình là các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Luật sư Thanh dẫn chứng thêm khi Việt Nam thu về 20 triệu đồng thì phải xuất khẩu 20 tấn gạo trong khi chỉ xuất khẩu 1 chiếc điện thoại đã có giá trị tương đương. Điện thoại không quá khó với những nước phát triển nhưng với Việt Nam là một thách thức tương đối lớn. Chính vì thế xu thế hội nhập Việt Nam đang tập trung phát triển cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và tiền đề khoa học công nghệ 4.0 để phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn trong nền kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ. Ngoài ra, cũng không thể đứng ngoài mà phải tận dụng cơ hội chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu mang lại, vượt qua nhiều thách thức. Muốn vậy các MSMEs sẽ phải cần đến chính sách ưu đãi của Chính phủ để có thể sáng tạo, cạnh tranh sòng phẳng với DN nước ngoài và đưa sản phẩm đến được với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Brian Scarpelli, Cố vấn chính sách cấp cao của ACT The App Association nhấn mạnh với nền kinh tế như Việt Nam để tham gia phát triển nền kinh tế số có thể học hỏi phát triển các phần mềm điện thoại, từ đó mở ra cơ hội có thể làm được các sản phẩm như iOS, Google Play… dần dần giúp các DN phát triển kinh tế số từ thấp đến cao.
Nguồn Báo Công Thương